Giám sát an toàn thực phẩm: Tỷ lệ số mẫu vi phạm quy định ở mức cao

Việc giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản hiện tập trung giám sát các sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thuỷ sản nuôi. Song tỷ lệ mẫu vi phạm vẫn còn ở mức cao.
Giám sát an toàn thực phẩm: Tỷ lệ số mẫu vi phạm quy định ở mức cao ảnh 1Nhân viên thú y kiểm tra hộ kinh doanh thịt lợn tại Hải Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việc giám sát an toàn thực phẩm sẽ  tập trung vào các sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thủy sản nuôi. Kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có giảm, có chuyển biến nhưng vẫn còn ở mức cao.

Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, tại hội thảo “Hành động để người dân được sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Báo Lao động đồng tổ chức ngày hôm nay (26/7), tại Hà Nội.

Tỷ lệ vi phạm vẫn còn cao

Đánh giá về tình hình quản lý an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2016, ông Tiệp cho biết tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đã tăng lên 79,76% (cuối năm 2015 là 78,3%).

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3 %.

“Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đã triển khai theo kế hoạch và đột xuất trong tập trung vào các nhóm đối tượng, công đoạn nguy cơ cao về an toàn thực phẩm như sử dụng chất cấm, hoá chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, hoá chất sử dụng trong sơ chế, bảo quản, chế biến. Các trường hợp vi phạm đã được phát giác, xử lý, loại ra khỏi chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng,” ông Tiệp nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cũng khẳng định, thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ gây hại trực tiếp lên người dân, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và an sinh xã hội. Đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.

“Tuy nhiên, gần đây, nhiều vụ việc vi phạm về quy định về an toàn thực phẩm vẫn liên tiếp được phát hiện. Kết quả giám sát phát hiện kết quả không đạt yêu cầu quy định an toàn thực phẩm vẫn còn ở mức cao. Vấn đề an toàn thực phẩm có nhiều bất cập. Vấn đề then chốt là làm thế nào để có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, có những chuyển biến yêu cầu rõ nét đáp ứng yêu cầu của người dân, đảm bảo sức khỏe người dân và yêu cầu đòi hỏi của thị trường xuất khẩu,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Triển khai chợ thí điểm an toàn thực phẩm

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, về công tác kiểm soát thị trường, hiện Bộ cũng đang thực hiện lồng ghép vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các chính sách, cơ chế phát triển thị trường trong nước có hệ thống phân phối thực phẩm đáp ứng đủ yêu cầu của người dân và đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giám sát an toàn thực phẩm: Tỷ lệ số mẫu vi phạm quy định ở mức cao ảnh 2Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn tại siêu thị. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

“Hiện tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua chợ chiếm trên 40% tổng mức lưu chuyển hàng hóa. Mặt hàng tươi sống lưu thông qua chợ chiếm gần 70% và cũng có tới 60% siêu thị có kinh doanh thực phẩm. Hàng hóa trong siêu thị hầu hết đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công bố hợp quy hoặc chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước.

Do vậy, việc phát triển mạng lưới chợ siêu thị trên trên toàn quốc là một phần quan trọng trong phát triển hạ tầng thương mại nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm sẽ được tiếp tục triển khai,” bà Nga chỉ rõ

Bên cạnh đó, ông Tiệp cho rằng cần khuyến khích liên kết giữa sản xuất và phân phối; hỗ trợ cơ sở áp dụng các chỉ tiêu thực hành tốt trong nông nghiệp (GAP) và phân tích rủi ro và các điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) và các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác.

"Đồng thời tăng cường truyền thông giáo dục ý thức trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và cơ quan thực thi kiểm soát. Khuyến khích việc đàm phán ký kết công nhận lẫn nhau hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm; tăng cường năng lực, nguồn lực cho quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm," ông Tiệp nói. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục