Liên quan đến việc thực hiện giám sát chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không từ 13/7, theo ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tổ trưởng tổ giám sát, qua phân tích sơ bộ sau 3 ngày thực hiện giám sát các hãng hàng không cho thấy, việc cung cấp thông tin của các hãng hàng không cho Cảng vụ, Cục Hàng không còn hạn chế, nguyên nhân đưa ra còn chậm và thiếu chính xác nên chưa thể có đánh giá cụ thể đích danh yếu tố cơ bản dẫn đến chậm, hủy chuyến.
Chậm, hủy chuyến trong... chuẩn mực
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng Sáu vừa qua, bốn hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO và Vietjet Air đã khai thác tổng cộng hơn 14.460 chuyến bay trong đó có tới 2.276 chuyến bay bị chậm (chiếm 15,7%), 264 chuyến bị hủy (chiếm 1,8%).
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cũng phân tích chi tiết tỷ lệ chuyến bay bị chậm, hủy chuyến từ các yếu tố thời tiết, thương mại, kỹ thuật… vẫn chiếm số lượng lớn khi có 1.425/ 2.276 chuyến bay bị chậm bắt nguồn từ việc khai thác của các hãng hàng không (tỷ lệ 62,6%); 121/264 chuyến bay bị hủy với lý do thương mại (tỷ lệ 45,8%)… Đặc biệt, chỉ tính riêng trong vòng 10 ngày đầu tháng Bảy vừa qua (từ ngày 1-10/7), các hãng hàng không đã có tỷ lệ chậm chuyến bay lên tới 17,3%; hủy chuyến bay chiếm 5%.
Số liệu thống kê của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cho thấy, các nguyên nhân liên quan tới thời gian chờ cất cánh và hạ cánh chiếm khoảng 8,5% số chuyến bay (trong tháng Sáu vào khoảng 280 chuyến); các nguyên nhân do phục vụ mặt đất, trang thiết bị, hạ tầng nhà ga chiếm khoảng 3-4% hệ thống làm thủ tục trục trặc, dọn đường băng chậm, thiếu xe thang, xe bus, xe băng chuyền hàng hóa, nạp dầu chậm, thay đổi cửa khởi hành, kẹt cửa an ninh (trong tháng Sáu là 119 chuyến).
“Như vậy có thể thấy phần lớn các nguyên nhân gốc là xuất phát từ các yếu tố hạ tầng, nhà ga, cất hạ cánh…. Nguyên nhân xuất phát từ hãng chủ yếu là kỹ thuật, nằm trong chuẩn mực của ngành,” một đại diện Vietjet Air đưa ra đánh giá.
Bên cạnh đó, vị đại diện Vietjet Air cũng cho rằng, các chuyến bay bị chậm dây chuyền (thường gọi là máy bay về muộn) là do những nguyên nhân gốc nêu trên cộng lại và đã ảnh hưởng dây chuyền đến việc khai thác các chuyến sau, thường chiếm khoảng 55% tổng số chuyến bay chậm.
Vietjet Air than thở
Lý giải về nguyên nhân các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, đại diện Vietjet Air phân trần, điểm khó khăn của Vietjet là toàn bộ dịch vụ mặt đất như xe thang, hệ thống làm thủ tục, xe bus vận chuyển khách, dọn dẹp vệ sinh đường cất hạ cánh... đang phải thuê ngoài nên hoàn toàn thụ động.
Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietjet Air cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn trong việc khai thác hàng không tại nhà ga là do các sân bay liên tục sửa chữa, quy hoạch lại. Vietjet bị thay đổi khu vực check-in, không có quầy riêng của hãng; số lượng quầy làm thủ tục tại hầu hết các sân bay nhỏ chưa đáp ứng đủ cho các hãng hàng không; Vietjet gần như không có mặt bằng hay phương tiện tại khu vực nhà ga cũng như ngoài sân đỗ…
Theo ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, hiện chỉ mới có Vietjet Air làm khá tốt khâu thông tin, khi thường xuyên cung cấp số liệu và các nhóm nguyên nhân, Đến giờ, Cục chưa nhận được nhiều thông tin đầy đủ từ các hãng còn lại.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, sân bay này có 47 vị trí bến đỗ nhưng hiện chỉ khai thác được 38 bến…, tần suất khai thác giờ cao điểm thường xuyên vượt quá quy định, việc chậm chuyến, dồn chuyến dây chuyền cũng gây tắc nghẽn thêm.
“Delay” còn do... "thượng đế"
Bên cạnh những nguyên nhân được xác định ban đầu như kỹ thuật, thời tiết, yếu tố thương mại, theo ông Cường, khảo sát thực tế từ ngày 13/7 tới nay cho thấy, yếu tố hành khách cũng tác động lớn đến chậm, hủy chuyến.
Đơn cử, theo báo cáo của Vietjet Air gửi lên Bộ Giao thông Vận tải, việc chậm chuyến của hãng này do nguyên nhân khách hàng chiếm khoảng 1% như thiếu giấy tờ tùy thân, đi lạc trong sân bay, nhầm cửa, hành lý xách tay sai quy định. Hành khách không tuân thủ nội quy an toàn, quá khích khi máy bay chậm chuyến như chuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh-Vinh phải hạ cánh Nội Bài do thời tiết, hành khách kiên quyết không chịu xuống máy bay suốt 2 giờ; một chuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh-Vinh khác của hãng này hủy do thời tiết, hành khách đã đập phá tại khu vực check in.
Theo ông Cường, thực tế đã xảy ra việc máy bay chậm giờ do không tìm thấy hành khách. Hãng không thể bỏ khách đã hoàn tất thủ tục lên tàu bay, nhất là với những ai có hành lý ký gửi. Nếu có hành lý vô chủ trên máy bay, đó có thể là nguyên nhân uy hiếp an toàn bay. Do vậy, trong trường hợp này, hành khách vì lý do nào đó không lên máy bay (hoặc không tìm được khách), hãng phải dỡ hành lý ra máy bay mới cất cánh, kéo theo giờ bay sẽ phải chậm lại.
“Nhiều người có trình độ nhưng ý thức chấp hành lại sơ đẳng, ví dụ máy bay chưa hạ nhưng đã có người đứng lên lấy hành lý, việc này có thể gây nguy hiểm và tiếp viên phải yêu cầu dừng để lập biên bản, kéo dài thời gian hạ cánh,” ông Cường nói.
Bổ sung thêm, bà Trần Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm, hủy chuyến, một phần trong số đó là sự tham gia của các hãng hàng không giá rẻ, thu hút một lượng khách, trong đó có rất nhiều khách mới đi máy bay lần đầu.
“Dù số lượng thống kê chưa lớn, nhưng có lý do chậm chuyến do hành khách, bởi với các hãng giá rẻ có những khách chưa đi máy bay bao giờ, hiểu biết quy định về an ninh, an toàn rất hạn chế. Nhiều hành khách không chấp hành quy định, tranh cãi… cũng khiến cho chuyến bay chậm giờ,” bà Minh phân tích.
Lời xin lỗi... muộn
Trước câu hỏi việc giám sát chậm, hủy chuyến có phải do sức ép từ dư luận không, tại sao trước đây không thực hiện, ông Võ Huy Cường thừa nhận, việc chậm hủy chuyến bay liên tiếp hiện nay khiến ngành hàng không đang chịu sức ép lớn dư luận. Sở dĩ có tình trạng này, một phần là do trước đây ngành hàng không quá chú trọng đến an toàn, an ninh hàng không mà chưa quan tâm thỏa đáng đến việc máy bay bị chậm hủy chuyến.
“Thực tế này, ngành hàng không phải xin lỗi công luận và người dân là chưa làm đồng đều, căn bản trong giai đoạn hiện nay...,” ông Cường khẳng định.
Đưa ra các biện pháp hạn chế chậm, hủy chuyến bay, đại diện các hãng hàng không cho rằng cần phải nâng cao chất lượng bảo dưỡng tàu bay, thực hiện phương án dự phòng 1 tàu bay để giải quyết các tình huống có sự cố hỏng hỏng khi đang khai thác; hạn chế sự ùn tắc của hành khách ảnh hưởng tại sân bay; phối hợp chặt chẽ với các Công ty phục vụ mặt đất và điều hành, kiểm soát không lưu nâng cao khả năng điều hành tốt chuyến bay; tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp khách hàng hiểu biết chính sách thương mại và nắm bắt tốt các quy định an toàn, dịch vụ tại sân bay, hạn chế chậm giờ do khách…/.