Giám sát HIV/AIDS giúp khống chế sự lây lan bệnh

Chương trình giám sát HIV/AIDS giúp ngành y tế khống chế nguy cơ lây lan HIV và nâng chất lượng chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định các chương trình giám sát HIV/AIDS đang được triển khai ở 63 tỉnh, thành trong cả nước đã góp phần giúp ngành y tế khống chế khá hiệu quả nguy cơ lây lan HIV cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống thông tin phòng, chống HIV/AIDS để phục vụ việc quản lý và sử dụng các số liệu về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu HIV/AIDS tập trung, giúp cho việc cập nhật, chia sẻ và sử dụng số liệu hiệu quả hơn; triển khai ứng dụng phần mềm quản lý người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, quản lý số liệu giám sát trọng điểm đáp ứng thông tư giám sát dịch tễ học HIV/AIDS.

Đặc biệt, Thông tư quy định Quy chế và biểu mẫu báo cáo công tác phòng chống HIV/AIDS đang được hoàn thiện và sẽ được ban hành vào quý 1/2013.

Hiện 63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai giám sát phát hiện HIV trong đó có 40 tỉnh đã triển khai giám sát trọng điểm (10 tỉnh thực hiện giám sát trọng điểm HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục và 29 tỉnh thực hiện giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi).

Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức được 3 lớp tập huấn cho 29 tỉnh thực hiện giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi về phân tích số liệu và báo cáo năm 2012. Các tỉnh, thành phố đã áp dụng phần mềm HIV Info 3.0 (nâng cấp phần mềm báo cáo Info 2.0 ) trong việc thực hiện báo cáo giám sát tình hình dịch HIV.

Cả nước hiện có 485 phòng tư vấn xét nghiệm HIV, gồm phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, phòng tư vấn xét nghiệm HIV đặt tại các cơ sở y tế do cán bộ y tế đề xuất. Đặc biệt đã có 84 phòng khám đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV(+) trên 54 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó hoạt động xét nghiệm EID (xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV ở trẻ dưới 18 tháng tuổi) đã được triển khai ở 52/63 tỉnh, thành phố, với 1.600 xét nghiệm được thực hiện. 45 cơ sở thực hiện xét nghiệm CD4 tại 27 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều cơ sở đã nhận được sự hỗ trợ sinh phẩm và hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng máy xét nghiệp từ Chương trình PEPFAR, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và Dự án Life - Gap.

Điều này thật sự có ý nghĩa giúp người bệnh và các bác sĩ điều trị kịp thời điều chỉnh phác đồ hiệu quả cao nhất cho người bệnh.

Từ đầu năm đến nay đã có trên 107.000 xét nghiệm đã được thực hiện, tăng gần 20.000 lượt so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động xét nghiệm đếm tế bào vẫn còn nhiều khó khăn: một số cơ sở hiện nay không có sinh phẩm để làm xét nghiệm do không mua được hoặc chưa có nguồn kinh phí để mua; một số máy xét nghiệm thuộc dự án KFW cấp đã hết hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng và thường xuyên gặp sự cố không thể thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân./.

Mỹ Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục