Giám sát thực hiện pháp luật an toàn thực phẩm tại Lạng Sơn

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc tại tỉnh Lạng Sơn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.
Giám sát thực hiện pháp luật an toàn thực phẩm tại Lạng Sơn ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiểm tra hàng hóa tại chợ Cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Ngày 27/2, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Lạng Sơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc đặc biệt quan trọng về kinh tế, an ninh-quốc phòng, là địa bàn trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lớn sang nước bạn Trung Quốc. Việc quản lý, thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng và phức tạp; đặc biệt là trong công tác chống buôn lậu do Lạng Sơn có đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở, nhiều điểm buôn bán ngay sát biên giới nên công tác quản lý phức tạp, khó khăn.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền thực hiện các chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; có nhiều mô hình sản xuất an toàn thực phẩm tốt như mô hình 6.000 ha sản xuất rau an toàn với sản lượng trên 70.000 tấn/năm…; công tác kiểm soát, chống buôn lậu đạt kết quả tích cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng chỉ rõ một số tồn tại như chất lượng việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Lạng Sơn chưa cao; chưa quản lý hiệu quả các đường mòn, lối tắt qua biên giới nên vẫn còn tình trạng buôn lậu xảy ra; công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tuy có kết quả tốt nhưng nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn ở mức độ giới hạn…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã thông báo kết quả hoạt động khảo sát tại các điểm đến và nêu 16 câu hỏi chất vấn, tập trung vào một số vấn đề như hệ thống văn bản; tổ chức quy hoạch sản xuất nông sản sạch; số liệu xử phạt thanh tra, kiểm tra; quản lý chợ đầu mối; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn thực phẩm…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Lạng Sơn đã kiện toàn hệ thống cơ quan chuyên môn về quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương; đầu tư hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đạt chuẩn ISO 17025… Nhờ đó, việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm đã đạt được một số kết quả tích cực.

Trong 5 năm, toàn tỉnh chỉ xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 207 người mắc và không có trường hợp tử vong…

Tuy vậy, các lực lượng chức năng của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm như: việc thanh tra, kiểm tra vi phạm nhiều nhưng xử lý được ít do các hộ kinh doanh sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ; các quy định chồng chéo trong việc xác định các mặt hàng nhập khẩu nên khó khăn trong công tác kiểm soát; lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm…

Trước đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chia làm 3 tổ, tiến hành khảo sát tại các điểm, khu vực có lưu lượng hàng hóa lớn như cửa khẩu Tân Thanh, chợ Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng); cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc); chợ Chi Lăng và chợ Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn).

Theo chương trình làm việc, ngày 28/2, đoàn tiếp tục chia làm 2 tổ đi kiểm tra 4 địa điểm giết mổ tập trung trên địa bàn thành phố Lạng Sơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục