Giám sát thực thi luật phòng chống xâm hại trẻ em ở mức cao nhất

Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em.
Giám sát thực thi luật phòng chống xâm hại trẻ em ở mức cao nhất ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 31/5, theo chương trình, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Trao đổi bên lề kỳ họp, một số đại biểu đã nêu ý kiến liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em.

Đề xuất giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ở mức cao nhất

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu rõ công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ trước đến nay luôn được Đảng, Nhà nước xem là chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định lâu dài cho đất nước.

Tuy nhiên, việc triển khai, phối hợp giữa các bộ, ngành hữu quan và địa phương còn nhiều bất cập. Các vụ xâm hại tình dục trẻ em, vi phạm quyền trẻ em đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đáng báo động. Năm 2016, cả nước xảy hơn 1.200 vụ xâm hại trẻ em ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé ở tuổi mầm non.

Đại biểu Ngô Thị Minh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã giám sát nội dung này cách đây 5 năm và có những kiến nghị rất sâu với các bộ, ngành chức năng. Mới đây, Ủy ban đã tiếp tục rà soát và gửi kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội những nội dung đã được bộ, ngành tiếp thu; nội dung chưa được tiếp thu và có những nội dung đưa vào Luật Trẻ em năm 2016.

Gần đây, Ủy ban đã phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp với các bộ, ngành liên quan về đấu tranh phòng chống tội phạm trong xâm hại tình dục trẻ em.

Bà Ngô Thị Minh cho biết trong kỳ họp này, Ủy ban đã tham mưu với Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc để trong phiên chất vấn các bộ, ngành sẽ có nội dung về vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em; đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Sau khi giám sát xong, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về vấn đề này và quyết tâm theo đuổi đến cùng các kiến nghị sau giám sát, có như vậy mới khắc phục, giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Giao trách nhiệm cho một cơ quan làm đầu mối

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng nhiều vụ việc, cha mẹ, người giám hộ hợp pháp của trẻ đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng việc xử lý còn chậm, thông tin mập mờ khiến gia đình bị hại bức xúc, dư luận phẫn nộ. Có những vụ việc kéo dài nhiều năm vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và việc giải quyết các vụ việc còn còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả.

Theo đại biểu, hiện nay có 9 cơ quan có trách nhiệm trong công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao. Cần giao cho một cơ quan chủ trì làm đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, như thế có thể giảm thiểu nguồn nhân lực, tránh xảy ra tình trạng chồng chéo, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phân tích người phạm tội là số ít, trong khi pháp luật cần bảo vệ số đông. Vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành kịp thời và đảm bảo tính nghiêm minh.

Đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng quy định biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; chú trọng cách thu thập chứng cứ đối với loại tội phạm này để làm căn cứ vững chắc cho việc xử lý chính xác, kịp thời đối với tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục