Giảm thiểu lao động trẻ em: Còn lắm gian nan

Lao động trẻ em đã và đang tồn tại khá phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên, con đường để giảm thiểu tình trạng này còn lắm chông gai.
Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều vụ bạo hành trẻ em mà phần lớn xảy ra ở những trường hợp phải bươn chải, lao động sớm để kiếm tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tình hình lao động trẻ em ở tám tỉnh, thành phố tại Việt Nam (tháng 9/2009), tình trạng lao động trẻ em đã và đang tồn tại khá phổ biến, ở các độ tuổi khác nhau.

Đặc biệt, khoảng 50% lao động trẻ em được quan sát trong nhóm nghiên cứu này đang phải làm việc trong môi trường có những yếu tố ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ như độ ẩm, ánh sáng, khói bụi, hóa chất độc hại, tiếng ồn... Mặt khác, các em cũng phải chịu sức ép như bị trả tiền lương thấp, chậm trả lương, phải sống xa gia đình, bị mắng nhiếc, đánh đập.

Con đường mưu sinh

Ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng nguyên nhân cội rễ của lao động trẻ em là sự nghèo đói, đẩy trẻ em vào con đường mưu sinh tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm và bất công.

Theo ông, những gia đình nghèo đã không thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho con em mình, nguồn thu nhập của gia đình từ lao động của cha mẹ và các thành viên khác trong hộ không đủ để trang trải cho cuộc sống. Vì vậy, trẻ em bằng cách này hay cách khác đã phải tham gia lao động để nuôi sống chính mình.

Ngoài lý do nghèo đói, một bộ phận người dân nông thôn do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về điều kiện làm việc cũng như nguy cơ tiềm ẩn đối với lao động trẻ em nên đã sẵn sàng để con em mình bỏ học đi làm, ngộ nhận vào việc "dễ kiếm tiền ở thành phố."

Thực tế cho thấy nhóm trẻ em lao động sớm thường ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập. Do thiếu thời gian để học tập, mệt nhọc do lao động nên nhiều trẻ em thường bỏ học ở độ tuổi rất sớm. Lao động trẻ em còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trẻ thường bị còi cọc, thân hình phát triển không cân đối hoặc mắc bệnh nghề nghiệp do làm việc không phù hợp, môi trường làm việc không đảm bảo, có nhiều độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, trẻ còn đối diện với nguy cơ phát triển lệch lạc về nhân cách.

Tạo cho trẻ “cần câu” để vào đời


Để giảm thiểu tình trạng lao động tồi tệ đối với trẻ em, đa số ý kiến cho rằng việc ủng hộ về vật chất cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chỉ là biện pháp tạm thời; điều quan trọng là tìm một cách thức để trẻ có thể có cuộc sống ổn định lâu dài.

Tại một số địa phương, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được dạy làm một số nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu ren, mây tre đan.

Như ở Hà Nam, một số huyện đã mở lớp dạy nghề thêu ren cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đây là công việc tương đối đơn giản và phù hợp với nhiều độ tuổi. Do vậy, trẻ em vừa có thể tiếp tục đến trường, vừa có thể làm thêm để phụ giúp gia đình với khoản thu nhập khoảng 400.000-500.000 đồng/tháng, không phải bỏ học ra thành phố kiếm sống.

Hiện nay, một số tổ chức giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề trong nước và quốc tế cũng đã và đang hoạt động khá hiệu quả tại Việt Nam, góp phần giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được học nghề, được trang bị kỹ năng sống để tự tin tạo lập cuộc sống cho riêng mình, tránh được những nguy cơ rủi ro.

Điển hình là KOTO - một trung tâm dạy nghề nhân đạo có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm qua.

Ông Jimmy Phạm - người sáng lập kiêm Tổng giám đốc KOTO quốc tế chia sẻ, trung tâm trang bị cho các em kỹ năng sống và đào tạo nghề trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn.

Song, những trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp như KOTO vẫn còn hạn chế tại Việt Nam nên tỷ lệ trẻ em được tiếp cận với giáo dục định hướng nghề nghiệp là rất ít.

Vì thế, theo ông Nguyễn Hải Hữu, giải quyết vấn đề lao động trẻ em đòi hỏi chính sách đồng bộ và các mô hình can thiệp thích hợp.

Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban ngành, cộng đồng xã hội, nhà trường, gia đình và của chính các em. Trong khi đó, đầu tư hỗ trợ cho gia đình nghèo phát triển kinh tế là một trong những biện pháp cốt lõi để tạo ra điều kiện và cơ hội cho trẻ em được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ tốt hơn trong gia đình, nhờ đó, trẻ em sẽ tránh được nguy cơ phải lao động sớm, bị bóc lột sức lao động, bị bạo hành và xâm hại.

Ngoài ra, cần tạo nhiều cơ hội và sự lựa chọn cho thanh thiếu niên được giáo dục phổ cập, được học nghề, có khả năng tiếp tục học tập để nâng cao hoặc chuyển đổi nghề./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục