Giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin ở Đà Nẵng

Hiện nay, nhiều người dân ở Đà Nẵng đã nâng cao nhận thức và biết cách lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn tránh phơi nhiễm dioxin.
Đà Nẵng là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng hậu quả của chất độc màu da cam/dioxin do chiến tranh để lại.

Trong những năm qua, Hội Y tế Công cộng Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả để góp phần giảm thiểu nguy cơ tới sức khỏe người dân sống tại các vùng ảnh hưởng thuộc khu vực này.

Áp dụng nhiều giải pháp y tế công cộng


Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó khoảng 1.400 nạn nhân là trẻ em.

Trong năm 2010, Hội Y tế Công cộng Việt Nam phối hợp với Hội Y tế Công cộng Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm với dioxin cho người dân sống tại 4 phường bị ảnh hưởng nhiều gần sân bay Đà Nẵng là phường An Khê, Hòa Khê, Thanh Khê và Chính Gián.

Gần 2 năm qua, các tuyên truyền viên đã đến hơn 16.000 hộ gia đình để tuyên truyền về nguy cơ phơi nhiễm, tác hại của dioxin đối với sức khỏe và dán tờ tranh hướng dẫn các biện pháp dự phòng phơi nhiễm với dioxin.

Đến nay, phần lớn người dân đã biết các biện pháp dự phòng quan trọng như không chăn nuôi, canh tác, thả cá ở khu vực ô nhiễm dioxin; không sử dụng các thực phẩm nguy cơ cao không rõ nguồn gốc, nên sử dụng nước máy hoặc nước giếng được lọc sạch.

Đặc biệt, đa số người dân sống quanh sân bay Đà Nẵng và khu vực Hồ Sen bị ô nhiễm dioxin đều ý thức rõ về sự nguy hiểm và không ăn, bán, tiêu thụ các loài cá, tôm, cua, ốc… được đánh bắt từ hồ này.

Bên cạnh đó, người dân cũng không tiêu thụ 3 loại rau có nguy cơ nhiễm bẩn dioxin cao nếu được trồng tại khu vực ô nhiễm là bí ngô, cà rốt và ngó sen.

Như vậy, thông qua các biện pháp tuyên truyền, người dân đã nâng cao nhận thức và biết cách lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn nhằm tránh nguy cơ bị phơi nhiễm dioxin.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ít người dân chưa thực sự ý thức được việc lây nhiễm dioxin thông qua thực phẩm nên vẫn câu, đánh bắt cá tại khu vực Hồ Sen nhiễm dioxin.

Thực phẩm – con đường phơi nhiễm chính

Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho rằng, khoảng 90% lượng dioxin trong cơ thể con người là do tiêu thụ thực phẩm ô nhiễm.

Theo điều tra của Hội Y tế Công cộng Việt Nam, các thực phẩm nguy cơ cao được tiêu thụ khá phổ biến tại địa phương nhiễm dioxin cao. Vì vậy, người dân cần có kiến thức và hiểu về các biện pháp dự phòng phơi nhiễm dioxin.

Dioxin là một chất kị nước và ưa chất béo, khi được thải vào môi trường nước, dioxin thường tích tụ lại trong cơ thể sinh vật thủy sinh và có nồng độ ngày càng tăng lên trong chuỗi thức ăn từ sinh vật phù du tới cá, tôm, ngao, sò, ốc… và tới con người.

Đối với môi trường trên cạn, dioxin trong các hạt bụi bám vào cây cối hoa màu. Các động vật ăn cỏ như trâu, bò tích tụ dioxin với nồng độ cao hơn do tiêu thụ rau cỏ bị nhiễm dioxin.

Như vậy, tại các điểm nóng về nhiễm dioxin thì cá, cua, ốc, tôm, thịt bò, gà, vịt, ngan… chính là những loại thực phẩm có nguy cơ cao mà người dân tại các vùng trên cần tránh.

Do vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp khuyến cáo người dân không câu, đánh bắt và tiêu thụ thủy sản tại khu vực này.

Chiến tranh đã kết thúc cách đây 36 năm nhưng gần 77 triệu lít chất khai quang (trong đó có 49,3 triệu lít chất da cam) mà quân đội Mỹ đã rải xuống môi trường Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đe dọa sức khỏe và đời sống của người dân sống tại các khu vực ô nhiễm dioxin.

Nhiều sân bay và khu căn cứ quân sự không quân cũ của Mỹ như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát... trong chiến tranh được sử dụng làm nơi lưu trữ các thùng hóa chất diệt cỏ, chủ yếu là chất da cam sử dụng trong chiến dịch Ranch Hand (1961-1971).

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn khoảng 28 điểm nóng về dioxin. Bên cạnh các nỗ lực tẩy độc thì việc triển khai can thiệp y tế công cộng nhằm thúc đẩy thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, ngăn chặn tình trạng nhiễm mới dioxin cho người dân tại các điểm nóng là một trong những ưu tiên cần thiết và cấp bách./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục