Giảm tỷ lệ hoán đổi, cổ phiếu HBB đi đâu về đâu?

Giảm tỷ lệ hoán đổi, cổ phiếu HBB đi đâu về đâu?

Phiên giao dịch ngày 2/5, cổ đông của Ngân hàng Phát triển Nhà Hà Nội (HBB) ngỡ ngàng đón nhận thêm những thông tin bất lợi về “khối tài sản” của mình.

Việc định giá HBB và SHB tương đương, khiến nhà đầu tư phải cân nhắc giá trị nội tại thực tế của HBB để đưa ra quyết định của mình.
Phiên giao dịch ngày 2/5, cổ đông của Ngân hàng Phát triển Nhà Hà Nội (HBB) ngỡ ngàng đón nhận thêm những thông tin bất lợi về “khối tài sản” của mình.

Ngay lập tức, khối lượng lớn cổ phiếu HBB bị xả bán với mức giá giảm kịch biên độ cho phép về 6.700 đồng/cổ phiếu. Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), mã HBB xác lập vị trí dẫn đầu về khối lượng và giá trị giao dịch với 12 triệu cổ phiếu, trị giá 80,8 tỷ đồng.

Thông tin được đưa ra từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) với đề án sáp nhập giữa SHB và HBB. Theo bản đề án này, thì các cổ đông HBB sẽ phải đối mặt với nhiều con số “không mong đợi”.

Cụ thể, tổng số nợ lũy kế của HBB tính đến 29/2/2012 sau khi HSB dự kiến trích dự phòng rủi ro đầy đủ cho khoản cho vay và đầu tư trái phiếu của Vinashin trong vòng 5 năm đã lên tới 4.066,5 tỷ đồng, (trong đó riêng lỗ lũy kế không bao gồm các khoản dự phòng cho vay Vinashin và Trái phiếu Vinashin là 1.829,9 tỷ đồng).

Thêm vào đó, với việc cổ đông SHB được thưởng cổ tức khi hoán đổi cổ phiếu HBB thành SHB là 0,21%, thì tỷ lệ hoán đổi thực tế của 1 cổ phiếu HBB sẽ tương ứng với 0,62 cổ phiếu SHB (Căn cứ, 1 cổ phiếu HBB sẽ hoán đổi lấy 0,75 cổ phiếu SHB “mới” đồng thời 1 cổ phiếu SHB “cũ” sẽ chuyển đổi thành 1,21 cổ phiếu SHB “mới” thì thực chất tỷ lệ chuyển đổi sẽ là 0,75 / 1,21 = 0,6198).

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Trưởng phòng giao dịch, Công ty chứng khoán Woori, tỷ lệ mới này cho thấy giá cổ phiếu HBB và SHB hiện đang giao dịch trên thị trường là tương đương, chứ hoàn toàn không có lợi như cách đưa tin của HBB ngày 25/4, (bởi người ta đã nhầm tưởng 1 cổ phiếu HBB tương ứng với 0,75 cổ phiếu SHB đang giao dịch, thì cách định giá cao hơn 20% so với thị giá hiện tại của của cổ phần HBB).

“Việc định giá tương đương như vậy, chắc chắn nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc giá trị nội tại thực tế của HBB thay vì vội vã nắm lấy HBB với kỳ vọng hưởng lợi từ tỷ lệ hoán đổi như trước đó. Không chỉ có vậy, đây vẫn là phương án đệ trình, chứ chưa phải là tỷ lệ ấn định chính xác. Hơn nữa, thời điểm sáp nhập đồng nghĩa với việc mã cổ phiếu HBB rút ra khỏi sàn niêm yết là chưa biết khi nào, do đó cổ đông của cả hai ngân hàng sẽ còn tiếp tục ‘căng thẳng’ cùng với những sự biến động của thị trường, ” ông Hòa nói.

Mặc dù, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị của SHB nhấn mạnh, có một chi tiết điều chỉnh tại đại hội của SHB (ngày 5/5) khoản lỗ 1.829 tỷ đồng của HBB sẽ xử lý ngay trong năm 2012 và dự kiến sẽ có lãi vào năm 2013.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá băn khoăn về khả năng những kết quả kinh doanh khả quan sẽ có ngay sau khi hai ngân hàng trên được sáp nhập.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, một nhà đầu tư có thâm niêm cho rằng, các cuộc mua bán, sáp nhập thường mang tính chiến lược lâu dài. Việc nhà đầu tư ôm cổ phiếu HBB và chờ đợi sau sáp nhập sẽ có lợi nhuận để chia cổ tức trong thời gian tới quả là lạc quan!

“Con số nợ lên trên 4.000 tỷ đồng quả thực đang khiến nhiều nhà đầu tư trong chúng tôi phải hoa mắt, chóng mặt. Bằng chứng dễ thấy nhất, phiên hôm nay 3/5 cổ phiếu HBB lại tiếp tục dẫn đầu sàn Hà Nội về khối lượng chào bán khi con số lên gần hai chục triệu đơn vị với mức giá nện sàn.

Theo cá nhân tôi, sự kỳ vọng kiếm lợi từ chênh lệch giá khi hai cổ phiếu thực hiện sáp nhập không còn, thì áp lực bán sẽ gia tăng và cổ phiếu HBB  sẽ còn phải xuống nữa,” ông Tuấn Anh lo lắng nói.

Trong phiên giao dịch buổi sáng hôm nay (3/5), mã phiếu HBB đang được giao dịch với mức giá giảm kịch biên độ cho phép là 6.300 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đã đạt trên 14 triệu đơn vị, trong khi dư bán sàn hiện còn đang treo trên 4 triệu cổ phiếu chưa được thẩm thấu.

Bên cạnh đó, mã cổ phiếu SHB cũng đang giảm khá sâu về mức 10.300 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đạt 2,85 triệu đơn vị.

Một chuyên gia tài chính độc lập cho rằng, việc ra tin như thế này sẽ thường nghiêng về chiều hướng có lợi cho đơn vị thâu tóm là SHB, thêm vào đó thời gian qua cổ phiếu HBB đã được cổ đông nội bộ bán đi khá nhiều và hiện đang được các nhóm nhà đầu tư lớn nắm giữ.

“Khi khối lượng cổ phiếu HBB trôi nổi không còn nhiều, thì dù có giảm giá song cổ phiếu này cũng không dễ gì mà bị xả bán ồ ạt, giảm sàn liên tục. Thêm vào đó nhà đầu tư cũng nên bình tĩnh quan sát động thái giao dịch trong vài phiên tới, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc do tâm lý hoảng loạn gây ra,” vị chuyên gia đưa ra ý kiến./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục