Gian nan chiến dịch làm sạch những “hòn đảo ngập rác” ở Vịnh Hạ Long

Gian nan chiến dịch làm sạch những hòn đảo ngập rác ở Vịnh Hạ Long

Trong cái nắng 39 độ C, hơn 100 tình nguyện viên đến từ các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các bạn trẻ vẫn hồ hởi ra đảo thu gom rác, làm sạch biển ở Vịnh Hạ Long.
Gian nan chiến dịch làm sạch những hòn đảo ngập rác ở Vịnh Hạ Long ảnh 1Rất nhiều tấm xốp được các tình nguyện viên thu gom trên đảo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

13 giờ 30 phút, nắng nóng như thiêu như đốt dội thẳng xuống buông tàu. Thế nhưng, hơn 100 tình nguyện viên đến từ các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các bạn trẻ vẫn hồ hởi di chuyển ra các hòn đảo nổi thực hiện chiến dịch làm sạch biển ở Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới.

Rác thải chất cao thành “núi” trên đảo

Chiều 14/6, sau những đường sóng gập ghềnh, lướt qua từng “quả núi di sản,” hơn 100 tình nguy​ện viên chia thành 3 nhóm đã đặt chân xuống các hòn đảo nhô lên từ mặt nước trong xanh như một tác phẩm điêu khắc hùng vĩ và độc đáo.

Dù nằm xa khu vực đất liền hàng chục cây số, nhưng trên nhiều hòn đảo, đâu đâu cũng ngập tràn rác thải​: từ xốp, chai nhựa, hộp sữa tươi, chăn bông​ đến bóng đèn, bật lửa, ống thủy tinh…như thể nơi đây là một bãi tập kết rác thải.

“Đảo nhiều rác quá”, “Rác từ đâu ra mà nhiều vậy?”, “Thế này nhặt bao giờ mới xong?”… những câu nói của các tình nguyện viên ngay sau khi đặt chân tới đảo, cứ nối dài, văng vẳng...

Vừa nhặt vỏ chai thủy tinh bỏ vào bao tải, vừa phân loại thành phần rác cho cô bạn tình nguyện viên trong nhóm ghi tên vào tờ giấy phân loại rác thải, chàng trai trẻ Nicolas Thorpe (quốc tịch Mỹ) hiện đang làm việc tại Trung tâm con người và thiên nhiên thở dài nói: “Rác ở đây nhiều quá, nhặt mãi không hết. Ôi! sợ quá...”

Nói xong, Nicolas Thorpe lại khom người, cúi mặt xuống bãi biển nhặt rác bỏ vào từng bao tải. Xung quanh, các tình nguyện viên khác cũng miệt mài thu gom ống nhựa, tấm xốp, chai-lọ thủy tinh… cho vào từng bao tải. Tất cả làm việc hăng say, bất chấp cái nóng oi ức, mồ hôi làm ướt đẫm những chiếc áo xanh tình nguyện.

Cùng tham gia chương trình vì Hạ Long xanh, với vai trò là học sinh, An Thùy Linh, lớp 11A4, Trường trung học phổ thông Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng bày tỏ quyết tâm chung tay với các anh chị yêu môi trường, thu dọn rác thải trên các đảo để làm sạch biển, xây dựng hình ảnh đẹp cho Việt Nam cũng như tạo ấn tượng tốt trong mắt du khách quốc tế về di sản thiên nhiên thế giới.

“Tuy nhiên, với lượng rác trên đảo quá lớn, trong khi số lượng tình nguyện viên có hạn nên việc làm sạch bãi rác trên đảo rất khó khăn. Vì thế, sau khi bàn bạc, nhóm em quyết đình chia các thành viên ra thành 6 nhóm nhỏ (mỗi nhóm 2-3 người) để vừa đảm bảo được việc thu gom, phân loại và ghi chép từng loại rác theo hướng dẫn của các chuyên gia môi trường quốc tế,” Linh nói.

Cứ thế, chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ bắt tay vào thu gom rác, nhóm của Linh đã thu được hơn gần 30 bao tải chứa rác các loại, chưa kể hàng trăm tấm xốp cỡ lớn được gom lại thành đống. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng rác thải đã thu gom được ở đây cũng mới chỉ là số ít so với khối lượng rác thải còn nằm ngổn ngang trên đảo.

Vì thế, ngay sau khi các nhóm hoàn thành việc thu gom rác từ các đảo khác, Ban tổ chức Chương trình tình nguyện viên “Hành động vì Hạ Long xanh” đã phải huy động tất cả các tình nguyện viên đến giúp đỡ. Nhờ đó, sau gần 5 tiếng đồng hồ làm sạch đảo, các nhóm tình nguyện viên thu gom được hàng chục bao tải rác, chất cao thành “núi” để đưa lên tàu bàn giao cho đơn vị xử lý rác thải ở thành phố Hạ Long tiêu hủy.

[Hình ảnh tình nguyện viên gồng mình dọn rác thải ở Di sản Vịnh Hạ Long]​

Gian nan chiến dịch làm sạch những hòn đảo ngập rác ở Vịnh Hạ Long ảnh 2Rác thải chất cao thành từng đống. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nỗ lực phát triển từ “nâu” sang “xanh”

Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hiện nay, hơn 5 triệu tỷ mảnh rác nhựa với trọng lượng gần 270.000 nghìn tấn đang nằm ngoài đại dương. Hàng năm, có hơn 100.000 cá thể rùa biển chết vì mắc phải hoặc ăn nhầm túi ni lông. Rác tích tụ chất độc, làm ô nhiễm biển và gây chết sinh vật biển.

Không những thế, rác còn phá hủy hình ảnh của một bờ biển, một đất nước trong mắt khách du lịch. Đặc biệt, việc rác thải tràn lan ven các bãi biển cũng có thể khiến khách du lịch và người dân địa phương dẫm phải các mảnh vỡ vỏ chai, cũng như các vấn đề da liễu khi bơi ở một “bờ biển ô nhiễm.”

Tại các hòn đảo nằm trong Vịnh Hạ Long, theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, chỉ trong vòng một buổi chiều “làm sạch biển” tại một số đảo, hơn 100 tình nguyện viên đã thu gom được hàng chục bao tải rác thải các loại (trong đó có nhiều loại rác thải nguy hại), cùng với hàng trăm tấm xốp lớn và khúc tre nữa khô mục.

Trước câu hỏi của phóng viên VietnamPlus về nguồn gốc khối lượng rác thải “khổng lồ” khiến các đảo trong Vịnh Hạ Long “ngập rác,” đại diện Ban quản lý Vịnh Hạ Long, cho rằng rác thải trên vịnh xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể xuất phát từ các làng chài, lồng bè, nhà nổi ở trên biển trước đây, trong quá trình phá dỡ, một số rác đã bị sóng biển đánh dạt vào, đến nay vẫn chưa thu hết được.

“Ngoài ra, Vịnh Hạ Long còn giáp với khu vực biển Cát Bà - vùng đang có rất nhiều nhà hàng nổi, lồng bè, họ sử dụng rất nhiều phao nổi nên khi thủy triều lên xuống, rác đã dạt sang…khiến lượng rác lớn như thế,” đại diện Ban quản lý Vịnh Hạ Long nói.

Có chung quan điểm, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long cũng cho rằng, Vịnh Hạ Lon là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế-xã hội và nằm rải rác qua nhiều địa phương. Chính vì thế, việc kết nối thành phố Hạ Long với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, với cộng đồng và giới trẻ vào việc bảo vệ môi trường là hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của địa phương.

Đại diện cho cơ quan bảo tồn quốc tế, bà Nguyễn Thùy Anh, cán bộ truyền thông Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế nhấn mạnh, qua lượng rác mà các tình nguyện viên đã thu gom được tại một số hòn đảo có thể thấy, môi trường biển tại Vịnh Hạ Long đang rất cần sự chung tay của các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phi chính phủ, người dân, chính quyền địa phương và các bạn trẻ…

“Việc dọn rác trên các đảo cũng là hoạt động thiết thực nhằm góp phần làm sạch môi trường cũng như chất lượng nguồn nước tại Vịnh Hạ Long. Chính vì thế, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế sẽ tiếp tục huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các bên liên quan để định kỳ tổ chức các hoạt động thu gom rác thải ít nhất 3 tháng/lần tại Vịnh Hạ Long,” bà Thùy Anh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục