Gian nan chống ngập tại TP.HCM: Bài toán đô thị hóa nhanh

Mưa, ngập đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực với người dân TP.HCM vì chính điều đó khiến tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng, đảo lộn sinh hoạt, đi lại cũng như không khí buôn bán.
Gian nan chống ngập tại TP.HCM: Bài toán đô thị hóa nhanh ảnh 1Đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) ngập sâu hơn nửa mét làm nhiều phương tiện bị chết máy. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh đã đem lại nhiều thay đổi lớn lao cho Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên cũng đặt ra hàng loạt vấn đề nan giải cho thành phố, trong đó có bài toán chống ngập úng đô thị.

Đã nhiều năm nay, người dân Thành phố Hồ Chí Minh quen với cảnh ngập đường, ngập hẻm, nước tràn nhà. Mưa, ngập đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực vì chính điều đó khiến tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng, đảo lộn sinh hoạt, đi lại cũng như không khí buôn bán, kinh doanh của người dân.

Mưa là... ngập

Cơn mưa kéo dài liên tục hơn 5 tiếng đồng hồ ngày 15/9 (từ chiều tối cho đến đêm khuya, lớn nhất từ đầu năm 2015 đến nay) đã khiến nhiều tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh ngập nặng, giao thông ùn tắc và hỗn loạn.

Tại đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), mưa ngập sâu gần 1m khiến cho phương tiện ra vào bến xe Miền Đông kẹt cứng, xe mô tô chết máy, phương tiện bị "chôn chân" hàng tiếng đồng hồ trên cầu Bình Triệu. Nhiều người bất lực đứng dưới màn mưa trắng xóa, nhất là tại nút giao Điện Biên Phủ - D1, Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), cầu Rạch Chiếc (quận 9).

Các tuyến đường khác ngập nặng như Kha Vạn Cân, Linh Đông (quận Thủ Đức), Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn), Ấp Chiến Lược (quận Bình Tân), Bạch Đằng, Chu Văn An (quận Bình Thạnh), Xa lộ Hà Nội đoạn ở cầu Rạch Chiếc (quận 2), ngã ba Phan Đăng Lưu và Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh).

Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Thủ Thiêm cũng ngập nặng; hàng loạt xe chết máy, người dân phải bì bõm đẩy bộ trong dòng nước đen ngòm, hôi thối. Chưa kể, hàng chục con hẻm trải rộng ở nhiều quận huyện nước tràn nền nhà, người dân vất vả dùng ván ngăn dòng, lấy can nhựa tạt nước, thậm chí có trường hợp vừa ngăn bao cát vừa cho máy bơm hút nước từ trong xưởng ra ngoài đường. Ngay cả những tuyến đường lớn như Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai cũng kẹt xe trầm trọng.

“Chưa khi nào mưa lớn, dài và ngập nặng như thế này. Chồng tôi đón con đi học vừa gọi điện về nhà thông báo về muộn vì mọi ngả đường đều ngập sâu, xe cộ chết máy trong khi mưa vẫn tiếp tục đổ xuống như trút," chị Nguyễn Thanh Hồng, ngụ quận Thủ Đức (khu vực đường Võ Văn Ngân với Đặng Văn Bi) cho hay.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cơn mưa ngày 15/9 diễn ra khắp địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tại 10 điểm đo mưa của đài đều ghi nhận có mưa vừa đến mưa lớn; trong đó, tại trạm Mạc Đĩnh Chi, lượng mưa đo được hơn 105 mm, tại Nhà Bè 131 mm, Hóc Môn 66 mm, quận 2 là gần 76 mm, Thủ Đức là 112 mm...

 ​

Theo dự báo của cơ quan này, ngày 16/9, thời tiết tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xấu, có mưa và mưa lớn kèm dông. Trong cơn dông đề phòng có sấm sét, gió giật mạnh và lốc xoáy.

Ngày 16/9, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết, sau trận mưa lớn chiều tối 15/9, toàn thành phố có tổng cộng 66 điểm ngập, trải rộng ở 12 quận gồm quận 1, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú.

Chín điểm có lượng mưa cao nhất gồm cầu Bông (118mm), Phước Long (105mm), Bình Chiểu (103mm), Quang Trung (93mm), Lý Thường Kiệt (92mm), An Lạc (142mm), Tân Quý Đông (77mm), Bình Hưng Hòa (101mm) và Phan Văn Khỏe (120mm).

 ​

Trước đó, cơn mưa chiều 9/9 cũng đã làm nhiều tuyến đường tại thành phố ngập sâu hơn nửa mét. Nặng nhất là đường An Dương Vương, quận 6, Kinh Dương Vương (Bình Tân), Trần Đại Nghĩa (Bình Tân)... đã khiến hàng loạt xe chết máy. Nhiều người đã phải bì bõm dắt xe trong làn nước đen thối để về nhà. Nhiều cửa hàng bên đường đóng cửa sớm, cảnh bán buôn ế ẩm.

Cách đó không lâu, cơn mưa lớn kéo dài chiều tối ngày 15/8 đã làm nhiều tuyến đường ngập nặng, giao thông hỗn loạn, sinh hoạt người dân bị đảo lộn. Một số đoạn đường Tân Hóa (quận 6), đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) ngập sâu gần nửa mét, gây cảnh ùn tắc giao thông.

Vì thế, tàu hỏa đã phải dừng lại gần khu vực ngã tư Bình Triệu vì đường ray kẹt xe. Nhiều người “tranh thủ” xuống tàu băng qua hàng rào để tự đón xe về nhà.

Gian nan chống ngập tại TP.HCM: Bài toán đô thị hóa nhanh ảnh 2(Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Xóa ngập và tái ngập

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện các chương trình và giải pháp chống ngập, giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đưa vào vận hành 248,48km cống các loại thông qua việc hoàn thành giai đoạn 1 của 4 dự án ODA lớn gồm cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ-Bến Nghé-Đôi Tẻ, Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè; Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên. Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm; và 75 dự án cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước, thực hiện 295 hạng mục cấp bách như đấu nối, mở hướng thoát nước cho các vị trí thường xuyên ngập…

Thành phố cũng đã triển khai khoảng 64km/149 km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều (cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc-Thị Nghè).

Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 295 công trình cấp bách, lắp đặt, vận hành 1.077 van ngăn triều. Cùng với đó, triển khai nhiều giải pháp trung hạn và dài hạn. Đối với việc giải quyết ngập do mưa, đến cuối năm 2015, ước tính thành phố sẽ giải quyết xong 49/58 điểm (trong đó trung tâm thành phố là 31 điểm).

 

Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã giải quyết xóa, giảm được 111/266 điểm ngập tại hẻm, đường nhỏ do quận, huyện quản lý. Đối với điểm ngập do triều cường, đến cuối năm 2015, thành phố phấn đấu giải quyết 24/26 điểm (trong đó giải quyết 14 điểm trung tâm thành phố).

Tuy nhiên, giải quyết điểm ngập cũ chưa xong, thành phố lại phải lo xử lý các điểm ngập mới. Tính riêng trong năm 2014, trên địa bàn xuất hiện 7 điểm ngập nhẹ, diện tích ngập từ 50m2-1.000m2 như đường Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, đường 26. Các điểm ngập này sẽ được giải quyết trong năm 2015.

Cũng trong năm 2014 đã xuất hiện 33 điểm tái ngập do ảnh hưởng thi công (dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm), mưa lớn tập trung thời gian ngắn và ảnh hưởng của rác (3 điểm thuộc lưu vực Nhiêu lộc Thị nghè gồm Mai Thị Lựu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Đình Phùng và 2 điểm ngoại vi Bình Quới, Thảo Điền)... Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan xử lý 27/33 điểm, còn 6/33 điểm tiếp tục xử lý sau năm 2015.

 

Ngoài ra, còn có 29 điểm ngập ngoài danh mục 58 điểm (gồm 13 điểm vùng trung tâm và 16 điểm vùng ngoại vi) do quá trình phát triển đô thị (như đường Võ Văn Kiệt), đã hình thành các khu dân cư 2 bên đường làm hệ thống thoát nước bị quá tải do không có hướng thoát. Thành phố đã xử lý được 21/29 điểm, còn 8/29 điểm tiếp tục xử lý sau năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục