Gian nan phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Nỗ lực đối phó với dịch sốt xuất huyết, nhưng các địa phương vẫn lúng túng trong giám sát dịch và gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.
Trái với thông lệ tập trung vào tháng 7-9 hàng năm, ngay trong 6 tháng đầu năm nay dịch sốt xuất huyết đã hoành hành ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Ngành y tế đang nỗ lực tìm nhiều biện pháp để đối phó với nguy cơ dịch sốt xuất huyết sẽ phức tạp hơn trong mùa mưa bão.

Lúng túng chuyện giám sát

"Hiện nay, các bệnh viện sử dụng cả test nhanh để chẩn đoán các ca mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, theo quy định giám sát thì một người được coi là mắc sốt xuất huyết khi đã có xét nghiệm MAC- ELISA, chứ chưa được lấy kết quả test nhanh vào trong giám sát sốt xuất huyết. Do đó, chúng tôi khá lúng túng trong vấn đề giám sát, xác định dịch”, một cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho hay.

Một đại diện của Dự án phòng chống sốt xuất huyết khu vực miền Bắc cũng thừa nhận, không chỉ riêng Hà Nội mà đại diện nhiều bệnh viện cũng đã yêu cầu hướng dẫn cụ thể hơn về việc sử dụng test nhanh trong chẩn đoán sốt xuất huyết.  

Ban điều hành dự án miền Bắc đang tập hợp các ý kiến, sau đó trình lên Hội đồng quốc gia để xin ý kiến. Bởi lẽ, việc sử dụng test nhanh cũng có một số vấn đề cần lưu ý. Hiện nay trên thị trường có 2 loại test nhanh: Một về kháng nguyên, một về kháng thể.

Test cho kết quả kháng nguyên thường có độ nhạy cao, nhưng Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo độ nhạy của loại test này chỉ cao đối với 5 ngày đầu bệnh nhân khởi phát. Riêng loại test cho kết quả kháng thể, dù cho kết quả dương tính cũng chưa thể khẳng định ngay là sốt xuất huyết, vì có thể do kháng chéo giữa viêm não Nhật Bản và sốt vàng.

Không chỉ lúng túng trong giám sát, xác định dịch, hiện nay một số địa phương còn lúng túng trong việc giám sát côn trùng.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và môi trường, Bộ Y tế cho biết: “Qua kiểm tra một số tỉnh về công tác phòng, chống dịch cho thấy, việc xác định mật độ muỗi tại các điểm nguy cơ chưa chuẩn. Có địa phương báo cáo trước khi đi phun, chỉ số Breteau (tức là số nhà có bọ gậy trong 100 nhà điều tra là 4, sau khi đi phun cũng thế. Nhưng sau khi kiểm tra tại chính những nơi được phun hóa chất rồi thì chỉ số là 60, thậm chí có nơi lên tới 157, nghĩa là chỉ số giám sát thực thấp so với thực tế khoảng 30-40 lần".  

Thiếu đủ thứ

Ngày 6/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ngành y tế tiếp tục đưa Dự án phòng, chống sốt xuất huyết vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS. Nguồn ngân sách năm 2009 dành cho dự án là 70 tỷ đồng.  

Tuy nhiên, hiện các địa phương vẫn thiếu kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết vì còn phải chờ thông tư liên bộ hướng dẫn chi.  

Bác sĩ Tạ Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: "Trong thời gian chờ Thông tư liên bộ, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương chi đối với Dự án phòng chống sốt rét. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lúng túng, vì hạng mục chi của phòng chống sốt xuất huyết và sốt rét không hoàn toàn giống nhau."

Tuy nhiên, các địa phương đang rất cần hóa chất, kinh phí để khôi phục lại hệ thống dự án trước đây như hệ thống giám sát dịch tễ, cộng tác viên, và quan trọng nhất là chủ động triển khai các chiến dịch phun hóa chất tại những địa bàn nguy cơ cao. Từ khi dự án phòng, chống sốt xuất huyết bị đưa ra khỏi chương trình mục tiêu quốc gia (vào mùa dịch năm 2008), nguồn kinh phí cho công tác này rất hạn hẹp.

Kinh phí cho phòng chống sốt xuất huyết trước được 200 triệu đồng thì nay được cấp vài chục triệu, chỉ đủ để "cầm hơi", bác sĩ Chấn cho biết. Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên cũng chẳng được hỗ trợ kinh phí hoạt động như trước, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết vì vậy càng khó khăn hơn.  

Cùng chung nỗi lo này, bác sĩ Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng dịch sốt xuất huyết tại 30 xã của tỉnh Thanh Hóa vào tháng 8 và tháng 10/2009 có khả năng không thực hiện được vì chưa biết lấy hóa chất ở đâu. Nếu tính trung bình mỗi xã cần 20-22 lít hóa chất, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh sẽ cần một số tiền lớn để mua đủ 600 lít hóa chất, nhưng đây là chuyện quá xa xôi".  

Giải đáp về vấn đề thiếu hóa chất của các địa phương, đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường,khẳng định hiện nay trong kho của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn còn hơn 1.000 lít hóa chất. Cục Y tế Dự phòng cũng đang mua thêm 10.000 lít nữa.  

Những địa phương hiện còn thiếu hóa chất phục vụ công tác phòng dịch chủ động cho những vùng nguy cơ cao, cần làm sớm kế hoạch chi tiết về Ban điều hành Dự án phòng, chống sốt xuất huyết để được bổ sung.

Nếu thiếu, Bộ Y tế sẽ chuyển thêm hóa chất từ miền Trung và miền Nam ra. Ngoài ra, các địa phương có thể sử dụng nguồn ngân sách mà nhà nước đã cấp cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (đã phân bổ về các địa phương) để thực hiện công tác phòng chống dịch.

Tính đến ngày 19/7, cả nước ghi nhận 36.046 trường hợp mắc và 34 trường tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2008, số ca bệnh tăng 11,7% và số ca tử vong tăng 6 trường hợp. Số ca bệnh tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (85%).
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục