Gian nan tìm nguồn máu "sạch"

Hoạt động thu gom máu đang được triển khai theo hướng tập trung hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, người bệnh vẫn đang phải đối mặt với không ít nguy cơ.

Hoạt động thu gom máu đang được triển khai theo hướng tập trung hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, người bệnh vẫn đang phải đối mặt với không ít nguy cơ.

Nếu quá trình truyền máu không an toàn, người bệnh có thể bị lây các bệnh nhiễm trùng đường máu, gặp các phản ứng miễn dịch khi truyền nhầm nhóm máu và có thể tạo nên các miễn dịch dị ứng.

“Quen” sử dụng máu toàn phần

Theo thạc sĩ, bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Phụ trách Khoa Vận động và tổ chức hiến máu, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, mỗi người bệnh cần những thành phần trong máu khác nhau. Để đảm bảo an toàn truyền máu, phải thực hiện tách các thành phần từ máu toàn phần. Quá trình này cũng loại bỏ những yếu tố không cần thiết, ví như vi rút HIV chỉ sống trong bạch cầu, việc lấy máu từng phần sẽ loại bỏ bạch cầu đi, giảm nguy cơ nhiễm HIV cho người bệnh.

Trên thực tế, công tác đảm bảo an toàn truyền máu vẫn đang bị đe dọa do các trung tâm truyền máu chưa hoạt động hết công suất; các bệnh viện vẫn tự tổ chức thu gom máu trong điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu cán bộ được đào tạo chuyên khoa, việc chỉ định, sử dụng máu toàn phần còn chiếm tỷ lệ cao.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu khu vực Cần Thơ phản ánh: Hiện nay, dù trung tâm đã tiến hành sản xuất 100% máu thu gom được nhưng các bác sĩ vẫn chỉ định máu toàn phần, dẫn đến việc các bệnh viện tự tổ chức thu gom để tiếp tục đáp ứng chỉ định cho các bác sĩ. Một nguyên nhân khác là do khoảng cách từ các tỉnh đến Cần Thơ quá xa nên chi phí vận chuyển cao, do đó các tỉnh vẫn tự thu gom máu mà không nhận máu từ trung tâm. “Cần yêu cầu các bệnh viện cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố trong quá trình tự thu gom và truyền mau”', bác sĩ Huỳnh bức xúc.

Một đại diện Trung tâm Huyết học - Truyền máu (bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên) cũng cho biết: Nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng hiện tại bệnh viện chỉ đáp ứng đủ 30% nhu cầu trong khi nhiều bệnh nhân các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn chuyển về bệnh viện trong tình trạng rất nặng , cần một lượng máu lớn để qua cơn nguy kịch. Nhiều lúc bệnh viện phải huy động gấp sinh viên trường Đại học Y khoa đang trực và người thân hiến máu cứu người bệnh vì vậy an toàn về đơn vị máu do vậy chưa thể đảm bảo 100%.
 
 Chậm “tiến độ"

Bắt đầu triển khai dự án từ năm 2002, theo kế hoạch đến cuối năm 2010 dự án xây dựng 4 trung tâm truyền máu khu vực (Hà Nội, Huế, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ hoàn thành với rất nhiều hạng mục: Xây dựng, vận động hiến máu, hoạt động của ngân hàng máu, chương trình phát triển nhân lực…. Nhưng đến nay chỉ có trung tâm Hà Nội và Chợ Rẫy là đã xây dựng xong đi vào hoạt động. Riêng trung tâm Cần Thơ và Huế, phải tới cuối tháng 10/2009 mới dự kiến hoàn tất phần xây dựng. Do vậy công tác thu gom máu ít nhiều bị ảnh hưởng.

Năm 2008, các trung tâm truyền máu khu vực đã thu gom được hơn 300.000 đơn vị máu, chiếm 58,3% của cả nước. Đây là tỷ lệ thấp so với đầu tư của Nhà nước và mới chiếm được 76,6% số máu thu gom được của các tỉnh thuộc diện bao phủ của dự án.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, dự kiến khi các trung tâm truyền máu khu vực hoàn tất việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị vào cuối năm 2009, hoạt động thu gom và cung cấp nguồn máu an toàn cho các bệnh viện thuộc diện bao phủ của dự án sẽ đạt hiệu quả cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục