Giảng dạy về di chỉ Cát Tiên trong lịch sử địa phương

Ngành văn hóa và ngành giáo dục Lâm Đồng sẽ đưa Di chỉ Khảo cổ học Cát Tiên vào chương trình giảng dạy lịch sử địa phương.
Ban Quản lý Di tích Khảo cổ học Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Ngành văn hóa và ngành giáo dục Lâm Đồng đang phối hợp để từng bước triển khai, đưa kiến thức lịch sử phát hiện, khai quật, những giả thiết về chủ nhân lịch sử… của Di chỉ Khảo cổ học Cát Tiên vào chương trình giảng dạy lịch sử địa phương của các trường ở bậc Tiểu học và trung học cơ sở tại các huyện phía Tây Nam của Lâm Đồng.

Di chỉ Khảo cổ học Cát Tiên (hay Thánh địa Cát Tiên) kéo dài gần 16 km, nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai, là phát hiện quan trọng của giới khảo cổ học Việt Nam . Tại đây, các nhà chuyên môn đã phát hiện quần thể khảo cổ còn chứa nhiều bí ẩn, chưa được lý giải cụ thể.

Từ phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1985 và sau đó trải qua 8 cuộc khai quật lớn tính đến năm 2006, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một quần thể phế tích gồm kiến trúc đền đài, mộ tháp và hàng nghìn hiện vật thuộc Bà la môn giáo.

Qua nhiều lần khai quật, giới chuyên môn đã thu được 1.140 hiện vật bằng vàng, bạc, đồng, sắt, gốm sứ… với nhiều loại hình phong phú như tượng thần Durga, Ganesa, ngẫu tượng Linga – Yoni, mảnh kim loại chạm khắc thần linh… Đặc biệt, tại di tích này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được cặp ngẫu tượng Linga – Yoni được xem là lớn nhất khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.

Đưa kiến thức liên quan đến lịch sử, giá trị của di chỉ nói trên vào chương trình học phù hợp cho học sinh lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở sẽ góp phần phát huy giá trị nghiên cứu, giá trị khảo cổ học quý báu, qua đó tăng cường củng cố ý thức gìn giữ, bảo tồn một công trình lịch sử, văn hóa có giá trị lớn./.

Sơn Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục