“Lớp em có trên 80 bạn nhưng sáng nay chỉ còn khoảng 30 người đi học, số còn lại đã về quê đón Tết,” Nguyễn Thị Huệ, sinh viên trường Cao đẳng Thương mại (Ba La, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Về sớm, “né” cháy xe
Huệ cho biết, sáng nay có ba tiết học nhưng em chỉ xin học hết tiết 1 rồi lò dò lên xin phép cô giáo cho nghỉ hai tiết cuối để về quê. “Em ở Thanh Hóa, mỗi lần về Tết đều chật vật vì bến xe quá tải, phải chen chúc khổ sở mới chen được một chỗ trên ôtô. Vì thế, năm nay em cố gắng về sớm hơn năm trước,” Huệ phân trần.
Cùng trường với Huệ, em Nguyễn Thị Hương, quê Nghệ An cũng cho biết, đa số các bạn trong lớp đã về quê. Lớp học của Hương vì thế trống hẳn mấy bàn đầu không có ai ngồi.
Giống như Huệ, Hương bảo, mỗi dịp Tết, đường hành hương về quê là cả vấn đề nan giải. Ngán ngẩm nhìn dòng người nườm nượp ra các bến xe, Hương chọn phương án đi tàu hỏa. Cô sinh viên này cũng nâng lên đặt xuống việc chọn ga nào để bắt đầu cuộc hành trình về xứ Nghệ.
“Mọi lần, em hay đi ga Giáp Bát vì từ ga này về Nghệ An chỉ hết hơn 40.000 đồng trong khi nếu bắt tàu từ ga Hà Nội lại lên đến 60.000 đồng. Tuy nhiên, ngày Tết này, tốt nhất là ra thẳng ga Hà Nội cho chắc ăn. Mặt khác, ga Giáp Bát cũng không bán vé trước như ga Hà Nội,” Hương chia sẻ.
Tuy đi tàu để “dễ thở” hơn, rẻ hơn, nhưng không phải tỉnh nào cũng có tàu chạy qua để sinh viên có cơ hội về quê với giá rẻ. Với những sinh viên của tỉnh Thái Bình chỉ có một cách duy nhất là chầu chực ở các bến xe, đông nhất là bến xe Giáp Bát.
Tay xách nách mang lỉnh kỉnh quần áo, sách vở, lịch Tết, Nguyễn Thị Ngân, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, ngao ngán nhìn chiếc xe về huyện Kiến Xương, Thái Bình, từ từ lăn bánh ra khỏi bến.
Ngân cho biết, lịch trình xe chạy ngày thường là 8 giờ 30 sáng, biết là ngày lễ, xe sẽ về sớm hơn nên em đã ra bến từ 6 giờ 30, sớm hơn hai tiếng, nhưng vẫn không còn chỗ. “Nếu không đi được xe tuyến huyện, về đến thành phố Thái Bình, em lại tốn thêm 50.000 đồng nữa để thuê xe ôm về nhà,” Ngân than thở.
Cùng cảnh nhỡ xe như Ngân, Phạm Văn Cảnh, sinh viên Đại học Mỏ Hà Nội bảo: “Em là con trai, lại chẳng đồ đạc gì nhiều, có mỗi chiếc túi đeo bên người mà còn không chen được để lên xe, huống hồ các bạn nữ thường nhiều đồ đạc.”
Xe buýt, ôtô quá tải
Khi sinh viên nô nức về quê cũng là lúc các tuyến xe buýt đều trở nên quá tải, nhất là những tuyến có điểm đầu và cuối bến là các bến xe, hoặc đi qua các ga tàu. Ngay từ sáng sớm, tất cả các bến xe buýt đều đông nghịt người.
Trên tuyến xe số 01, chiều từ Hà Đông qua ga Hà Nội, hành khách đứng chật cứng. Anh phụ xe phải liên tục nhắc nhở mọi người đứng dồn vào trong để nhường chỗ cho người khác lên. Tuy nhiên, xe đã chật đến mức khó có thể chèn thêm được nữa.
“Ngày Tết, ai cũng muốn về quê, mỗi người chịu khó một chút để thêm được một người lên là thêm một người được về sớm, đỡ bị nhỡ tàu,” anh phụ xe phân trần.
Trên xe, hành khách không kêu chật chội như mọi ngày nhưng ai cũng thấp thỏm nhìn đồng hồ, sốt ruột mỗi khi xe dừng tại điểm đỗ hay phải nhích từng centimet vì tắc đường.
Liên tục đếm từng điểm đỗ đã qua, bạn Phan Thị Hương ở Nghệ An thở dài nói: “Tàu sẽ chạy lúc 10 giờ, chỉ còn có 15 phút nữa thôi mà xe vẫn còn kẹt ở Khâm Thiên thì làm sao kịp được bây giờ”?
Không chỉ xe buýt, các xe khách liên tỉnh và các bến xe những ngày này cũng đang phải gồng mình lên để đưa lượng người khổng lồ từ Hà Nội về khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Anh Sử, phụ xe tuyến Hà Nội – Thái Bình, cho biết, năm nào cũng thế, những ngày Tết nhà xe đều phải làm việc cật lực nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Không phủ nhận tình trạng xếp khách quá số ghế quy định, anh Sử phân trần: “Bà con ai cũng muốn về nên những ngày này, họ sẵn sang chấp nhận ngồi chật chội, miễn là có chỗ trên xe để về quê. Chúng tôi chạy một chiều đông khách nhưng chiều còn lại gần như xe chỉ trống không.”
Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe Giáp Bát, năm nào bến cũng lên kế hoạch tăng cường lượt xe, nhất là xe chạy các tuyến đông như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Có ngày, tăng thêm đến 30 lượt mỗi tuyến, nhưng vẫn không đủ nhu cầu do người dân thường tập trung về quê trong khoảng 10 ngày cuối năm, từ 20 đến 29 Tết.
Vì thế, đến hẹn lại lên, năm nào việc về quê ăn Tết cũng là cả một hành trình gian nan đối với sinh viên nói riêng cũng như những người dân ngoại tỉnh./.
Về sớm, “né” cháy xe
Huệ cho biết, sáng nay có ba tiết học nhưng em chỉ xin học hết tiết 1 rồi lò dò lên xin phép cô giáo cho nghỉ hai tiết cuối để về quê. “Em ở Thanh Hóa, mỗi lần về Tết đều chật vật vì bến xe quá tải, phải chen chúc khổ sở mới chen được một chỗ trên ôtô. Vì thế, năm nay em cố gắng về sớm hơn năm trước,” Huệ phân trần.
Cùng trường với Huệ, em Nguyễn Thị Hương, quê Nghệ An cũng cho biết, đa số các bạn trong lớp đã về quê. Lớp học của Hương vì thế trống hẳn mấy bàn đầu không có ai ngồi.
Giống như Huệ, Hương bảo, mỗi dịp Tết, đường hành hương về quê là cả vấn đề nan giải. Ngán ngẩm nhìn dòng người nườm nượp ra các bến xe, Hương chọn phương án đi tàu hỏa. Cô sinh viên này cũng nâng lên đặt xuống việc chọn ga nào để bắt đầu cuộc hành trình về xứ Nghệ.
“Mọi lần, em hay đi ga Giáp Bát vì từ ga này về Nghệ An chỉ hết hơn 40.000 đồng trong khi nếu bắt tàu từ ga Hà Nội lại lên đến 60.000 đồng. Tuy nhiên, ngày Tết này, tốt nhất là ra thẳng ga Hà Nội cho chắc ăn. Mặt khác, ga Giáp Bát cũng không bán vé trước như ga Hà Nội,” Hương chia sẻ.
Tuy đi tàu để “dễ thở” hơn, rẻ hơn, nhưng không phải tỉnh nào cũng có tàu chạy qua để sinh viên có cơ hội về quê với giá rẻ. Với những sinh viên của tỉnh Thái Bình chỉ có một cách duy nhất là chầu chực ở các bến xe, đông nhất là bến xe Giáp Bát.
Tay xách nách mang lỉnh kỉnh quần áo, sách vở, lịch Tết, Nguyễn Thị Ngân, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, ngao ngán nhìn chiếc xe về huyện Kiến Xương, Thái Bình, từ từ lăn bánh ra khỏi bến.
Ngân cho biết, lịch trình xe chạy ngày thường là 8 giờ 30 sáng, biết là ngày lễ, xe sẽ về sớm hơn nên em đã ra bến từ 6 giờ 30, sớm hơn hai tiếng, nhưng vẫn không còn chỗ. “Nếu không đi được xe tuyến huyện, về đến thành phố Thái Bình, em lại tốn thêm 50.000 đồng nữa để thuê xe ôm về nhà,” Ngân than thở.
Cùng cảnh nhỡ xe như Ngân, Phạm Văn Cảnh, sinh viên Đại học Mỏ Hà Nội bảo: “Em là con trai, lại chẳng đồ đạc gì nhiều, có mỗi chiếc túi đeo bên người mà còn không chen được để lên xe, huống hồ các bạn nữ thường nhiều đồ đạc.”
Xe buýt, ôtô quá tải
Khi sinh viên nô nức về quê cũng là lúc các tuyến xe buýt đều trở nên quá tải, nhất là những tuyến có điểm đầu và cuối bến là các bến xe, hoặc đi qua các ga tàu. Ngay từ sáng sớm, tất cả các bến xe buýt đều đông nghịt người.
Trên tuyến xe số 01, chiều từ Hà Đông qua ga Hà Nội, hành khách đứng chật cứng. Anh phụ xe phải liên tục nhắc nhở mọi người đứng dồn vào trong để nhường chỗ cho người khác lên. Tuy nhiên, xe đã chật đến mức khó có thể chèn thêm được nữa.
“Ngày Tết, ai cũng muốn về quê, mỗi người chịu khó một chút để thêm được một người lên là thêm một người được về sớm, đỡ bị nhỡ tàu,” anh phụ xe phân trần.
Trên xe, hành khách không kêu chật chội như mọi ngày nhưng ai cũng thấp thỏm nhìn đồng hồ, sốt ruột mỗi khi xe dừng tại điểm đỗ hay phải nhích từng centimet vì tắc đường.
Liên tục đếm từng điểm đỗ đã qua, bạn Phan Thị Hương ở Nghệ An thở dài nói: “Tàu sẽ chạy lúc 10 giờ, chỉ còn có 15 phút nữa thôi mà xe vẫn còn kẹt ở Khâm Thiên thì làm sao kịp được bây giờ”?
Không chỉ xe buýt, các xe khách liên tỉnh và các bến xe những ngày này cũng đang phải gồng mình lên để đưa lượng người khổng lồ từ Hà Nội về khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Anh Sử, phụ xe tuyến Hà Nội – Thái Bình, cho biết, năm nào cũng thế, những ngày Tết nhà xe đều phải làm việc cật lực nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Không phủ nhận tình trạng xếp khách quá số ghế quy định, anh Sử phân trần: “Bà con ai cũng muốn về nên những ngày này, họ sẵn sang chấp nhận ngồi chật chội, miễn là có chỗ trên xe để về quê. Chúng tôi chạy một chiều đông khách nhưng chiều còn lại gần như xe chỉ trống không.”
Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe Giáp Bát, năm nào bến cũng lên kế hoạch tăng cường lượt xe, nhất là xe chạy các tuyến đông như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Có ngày, tăng thêm đến 30 lượt mỗi tuyến, nhưng vẫn không đủ nhu cầu do người dân thường tập trung về quê trong khoảng 10 ngày cuối năm, từ 20 đến 29 Tết.
Vì thế, đến hẹn lại lên, năm nào việc về quê ăn Tết cũng là cả một hành trình gian nan đối với sinh viên nói riêng cũng như những người dân ngoại tỉnh./.
Phạm Mai (Vietnam+)