Giảng viên trẻ góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng

Hội nghị giảng viên trẻ và sinh viên góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần XI đã được tổ chức ngày 18/10.
Ngày 18/10, Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức Hội nghị giảng viên trẻ và sinh viên góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần XI.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Đinh Thế Huynh cho biết, hơn một tháng qua, thực hiện chủ trương của Đảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã công bố các dự thảo văn kiện trình Đại hội để đông đảo nhân dân đóng góp ý kiến, trong đó có ý kiến của các giảng viên trẻ và sinh viên.

Ông Đinh Thế Huynh đề nghị phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, trách nhiệm của trí thức trước sự phát triển của dân tộc, các ý kiến đóng góp của các đại biểu cần thẳng thắn, trách nhiệm và sâu sắc, nêu bật được những vấn đề tâm huyến muốn đóng góp với Đảng của giới trẻ.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đề nghị đối với khẳng định “… chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc” cần bổ sung thêm cụm từ “chủ nghĩa yêu nước.”

Bí thư Thành Đoàn Hà Nội phân tích thực tế lịch sử đã chứng minh chủ nghĩa yêu nước là nhân tố quan trọng bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Đất nước Việt Nam trước khi có chủ nghĩa xã hội, đã có chủ nghĩa yêu nước, nó đã từng là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc nhiều thế kỷ.

Về các phương hướng cơ bản thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại phương hướng 1 cần bổ sung thêm nhân tố khoa học công nghệ, với tư cách là một trong những nhân tố quyết định thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Thạc sỹ Huỳnh Bá Lộc (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm cương lĩnh nên đề cập nhiều hơn và trình bày rõ ràng, cụ thể hơn về vai trò của đội ngũ trí thức, doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng. Tán thành với việc xác định vai trò to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người đại diện cho quần chúng nhân dân của Đảng, thạc sỹ Huỳnh Bá Lộc bày tỏ mong muốn “Mặt trận dân tộc phải là tiếng nói của quần chúng nhân dân, kênh tiếp thu ý kiến nhân dân nhiều nhất, mạnh nhất.”

Đóng góp vào Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, tiến sỹ Bùi Trường Giang - Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất cần thực hiện ưu tiên cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước như là khâu đột phá, vì không thể có một hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ và hiện đại khi chưa giải quyết được bài toán cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên lý thị trường có điều tiết.

Tiến sỹ Trường Giang cho rằng cần coi phát triển khu vực dịch vụ là tiền đề cho một cơ cấu kinh tế hiện đại và cạnh tranh toàn cầu, theo đó cần ưu tiên các ngành dịch vụ là yếu tố cấu thành chi phí đầu vào của các ngành sản xuất, giúp giảm chi phí giao dịch và tạo lợi thế cạnh tranh mới...

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bảo đảm thực hiện thắng lợi Chiến lược, tiến sỹ Trường Giang đề xuất xác định rõ hơn phạm vi điều tiết của Nhà nước đối với hoạt động kinh tế, đối với các loại cấu trúc thị trường khác nhau, các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác nhau trong quá trình chuyển đổi và hội nhập; tăng cường năng lực đổi mới thể chế và hoạch định chính sách phát triển ở cả cấp trung ương và địa phương…

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Hà, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng mô hình tăng trưởng phải dựa vào tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, mục tiêu là tăng năng suất lao động và lấy đó làm căn cứ xây dựng chính sách thay cho chạy theo chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng. Phát triển mạnh theo chiều sâu trên nền tảng tiến bộ khoa học-công nghệ và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ trong và ngoài nước; cải cách căn bản lĩnh vực thu-chi ngân sách nhà nước, tập trung vào vấn đề an sinh xã hội.

Thạc sỹ Hoàng Hà cho rằng tăng trưởng phải đi đôi với việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong quá trình phát triển đó là các mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển, quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa…/.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục