Giáo dục - Bệnh mới chồng bệnh cũ

Trong lúc căn bệnh kinh niên của ngành giáo dục là thiếu giáo viên còn chưa được giải quyết, căn bệnh mới đã lại phát sinh, khi hầu hết giáo viên không theo kịp sự phát triển của công nghệ, không đủ năng lực sử dụng các phương tiện dạy học và công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy cho dù năm học 2008-2009 có chủ đề là “Năm học Công nghệ thông tin.”

Trong lúc căn bệnh kinh niên của ngành giáo dục là thiếu giáo viên còn chưa được giải quyết, căn bệnh mới đã lại phát sinh, khi hầu hết giáo viên không theo kịp sự phát triển của công nghệ, không đủ năng lực sử dụng các phương tiện dạy học và công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy cho dù năm học 2008-2009 có chủ đề là “Năm học Công nghệ thông tin.”

Giáo viên - Cung vẫn không đủ cầu

Năng lực đào tạo của nhiều trường sư phạm hiện nay đã không theo kịp với sự "bùng nổ" của tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương, không chỉ tại miền núi mà ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm học này, Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo tuyển hơn 4.000 giáo viên để bổ sung cho năm học mới nhưng hai nguồn đào tạo giáo viên chính của thành phố là Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Sài Gòn chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu, với hơn 1.000 sinh viên ra trường mỗi năm.

Đại học Sư phạm Huế - trường cung cấp nhân lực chủ yếu cho miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên - mỗi năm cũng chỉ có thể cung cấp khoảng 900-1.000 giáo viên mới tốt nghiệp.

Lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cũng cho biết tuy Thủ đô có sức hút các nguồn nhân lực từ khắp nơi nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa thể chủ động được nguồn tuyển giáo viên hàng năm.

Điều đáng chú ý là hệ thống các trường sư phạm vẫn chỉ đào tạo theo những gì mình có mà chưa đào tạo căn cứ theo nhu cầu của các địa phương. Vì thế, tình trạng phổ biến là việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra trầm trọng ở một số ngành, ví dụ như miền Trung và Tây Nguyên rất khan hiếm giáo viên các ngành công nghệ, thể chất và âm nhạc. Vì vậy, về lâu dài ngành giáo dục cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng.

Bệnh "mù" công nghệ của nhiều thầy cô


Không chỉ thiếu giáo viên trầm trọng, ngành giáo dục còn đang đối mặt với tình trạng yếu kém về năng lực sử dụng công nghệ của hầu hết các giáo viên. Kết quả khảo sát về chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông đối với 3.500 giáo viên tại 5 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Hà Tĩnh, Sơn La, Trà Vinh và Đắk Lắk, cho thấy điểm yếu nhất trong số 12 điểm yếu của đội ngũ giáo viên chính là khả năng sử dụng các phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin.

Điều đáng thắc mắc là khảo sát, do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tiến hành, cho thấy một trong 7 điểm mạnh của giáo viên là có ý thức phấn về chuyên môn (tự học, tự rèn luyện), vậy mà vẫn có điểm yếu nhất nói trên.

Ngay giữa thủ đô cũng còn nhiều giáo viên vẫn xa lạ với công nghệ thông tin, với internet thì xem ra định hướng năm học này là “Năm học Công nghệ thông tin” cũng chỉ có giá trị “rung chà cá nhảy.”

Chưa kể, theo văn bản mới nhất của Bộ Giáo dục Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ “Năm học Công nghệ thông tin”, ngay trong tháng 10 các địa phương phải hoàn thành cơ bản việc thiết lập hệ thống email miễn phí trên nền Google - theo tên miền riêng của các Sở Giáo dục Đào tạo và của các trường trung cấp chuyên nghiệp - để cung cấp cho tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh.

Bộ Giáo dục Đào tạo đã yêu cầu các trường trung học phổ thông cần ưu tiên tạo ngay email cho từng học sinh lớp 12 để các em kịp thời tiếp nhận thông tin về các kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2009.

Trên thực tế, với mỗi học sinh thành phố thì việc lập và có hộp thư điện tử sẽ "không thành vấn đề" nên việc tạo email cho các em này là không cần thiết. Trong khi đó, với hầu hết học sinh các vùng nông thôn, miền núi thì dù có tạo xong đồng loạt cho các em thì cũng khó có thể biết được có bao nhiêu hộp thư không bị...chết, trong điều kiện công nghệ thông tin vẫn là những điều khá xa lạ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục