Giáo dục hòa nhập không chỉ là học chung

Giáo dục hòa nhập đã được triển khai để tạo cơ hội cho học sinh bị tật về thị giác, thính giác, tật vận động có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng.
Theo khảo sát của Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn (PEDC), trong số các huyện thuộc phạm vi dự án thì 3/4 số huyện có trẻ khuyết tật, trung bình một huyện có 50 học sinh bị tật về thị giác, thính giác, tật vận động,...

Giáo dục hòa nhập đã được triển khai để tạo cơ hội cho những trẻ này tiếp cận cơ hội giáo dục bình đẳng, có chất lượng. Tuy nhiên, "giáo dục hòa nhập" không chỉ đơn thuần là đưa trẻ khuyết tật vào môi trường chung với trẻ bình thường.

Học sinh khuyết tật là đối tượng đặc biệt nhạy cảm. Bản thân các em tự biết mình thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa nên thường có khuynh hướng sống khép kín, ít giao tiếp và dù nhiều em rất ham học hỏi nhưng không thích tới trường vì tủi thân và sợ bị trêu chọc.

Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội Phạm Hữu Qùy cho biết, hiện trường có 130 học sinh khiếm thị học hòa nhập với 1.300 học sinh bình thường khác. Để học sinh khuyết tật không có cảm giác bị "lạc lõng" hay có sự phân biệt với bạn bè, trường tạo mọi điều kiện học tập công bằng cho các em như toàn bộ sách giáo khoa ở trường được chuyển sang chữ nổi, in đủ số lượng để trang bị cho trẻ khiếm thị trong nhà trường.

Trên lớp, giáo viên phải kết hợp các phương pháp đổi mới cùng với việc sử dụng phương pháp cũ nặng về thuyết trình và giảng giải vì học sinh khiếm thị không thể quan sát được các hình vẽ, tranh ảnh minh hoạ. Nhiều khi giáo viên phải làm các đồ dùng dạy học riêng cho học sinh khiếm thị; sử dụng các mẫu vật thật để học sinh chạm vào, tự cảm nhận và hiểu được các sự vật hiện tượng, ông Qùy cho biết thêm.

Ngoài học tập, học sinh khuyết tật còn có nhu cầu được hỗ trợ về giao tiếp, đời sống thường nhật. Nhiều trường đã sắp xếp các khu nội trú cho học sinh khuyết tật để các em có điều kiện đi học đều, không mất nhiều thời gian đi lại. Một số trường có điều kiện còn mở các lớp dạy âm nhạc, dạy nghề cho học sinh.

Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học-mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, Phạm Văn Nhăm cho biết: Sở đã có các lớp đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật như may, vi tính, rửa xe... và có cả các lớp năng khiếu như nhạc, họa để các em phát triển năng khiếu.

Bên cạnh việc để trẻ khuyết tật học hòa nhập ở các trường học bình thường hiện nay, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên để các em khuyết tật được theo học ở các trường, trung tâm chuyên biệt sẽ có hiệu quả giáo dục tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huân, chuyên gia phát triển cộng đồng của Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn: Ở lứa tuổi nhỏ, học sinh được học ở những trường ngay tại địa phương là tốt nhất, không phải đi xa nhà, xa bố mẹ. Nhưng với các em khuyết tật nặng thì vẫn cần có những trung tâm giáo dục hòa nhập mang tính chuyên môn sâu hơn.

Tại những trung tâm này, học sinh không những được hưởng các chế độ đặc biệt về cơ sở vật chất mà còn được tiếp cận với nền giáo dục đặc biệt do các chuyên gia giỏi về giáo dục hòa nhập thường có xu hướng tới dạy ở các trung tâm tập trung đông học sinh khuyết tật hơn là về các điểm trường nhỏ lẻ.

Như vậy, điều cần thiết hiện nay còn là phải phân biệt được các loại tật của học sinh, mức độ tật để có thể chọn bài giảng thích hợp chứ không đơn thuần chỉ là đưa tất cả các em khuyết tật tới học với học sinh bình thường là "giáo dục hòa nhập". Với các học sinh khuyết tật nhẹ, vẫn có khả năng giao tiếp và tiếp nhận kiến thức tốt thì nên cho các em được học tại các trường bình thường để có cơ hội hoà nhập với xã hội. Với học sinh khuyết tật nặng, phải xác định dạng tật, đưa tới các trung tâm riêng biệt để giúp các em từ từ tiến bộ, tránh tình trạng trẻ không theo được bài học do sức khỏe yếu dẫn đến chán học.

Trong năm 2009, PEDC tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên hỗ trợ liên trường về các kỹ năng đặc thù như các phương pháp dạy học phù hợp cho trường hợp trẻ bị dạng khuyết tật nặng nhưng không phổ biến và các phương pháp cung cấp dịch vụ can thiệp sớm và dịch vụ giáo dục tại nhà hoặc tại cộng đồng cho trẻ khuyết tật./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục