Giáo dục nghề nghiệp vẫn “phân thân” thuộc quản lý của 2 bộ

Giáo dục nghề nghiệp vẫn “phân thân” thuộc quản lý của hai bộ

Chính phủ quyết định giữ nguyên việc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp như hiện hành.
Giáo dục nghề nghiệp vẫn “phân thân” thuộc quản lý của hai bộ ảnh 1Giáo dục nghề nghiệp vẫn giữ nguyên cơ quan quản lý như hiện nay. (Ảnh: TTXVN)

Theo Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Tư của Chính phủ vừa được công bố, việc phân công cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương, giữ nguyên việc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp như quy định hiện hành.

Giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, đồng thời chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Luật giáo dục nghề nghiệp có phạm vi điều chỉnh gồm các trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp, và cao đẳng. Theo đó, Luật điều chỉnh cả hệ thống trung tâm, trường nghề thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý và hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 27/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015. Tuy nhiên, luật chỉ được 274 trên tổng số 412 đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, đạt 55,13%, tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay.

Tại kỳ họp Quốc hội, vấn đề giao hệ thống giáo dục nghề nghiệp về Bộ nào quản lý là câu hỏi gây rất nhiều tranh cãi với các ý kiến trái chiều. Tỷ lệ bỏ phiếu của các đại biểu Quốc hội nhất trí giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý chiếm 34%, tỷ lệ nhất trí giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chiếm 29,4%. Có 28,6% đại biểu đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và 8% số đại biểu có ý kiến khác.

Với tỷ lệ đều dưới 50% nên việc giao bộ nào quản lý giáo dục nghề nghiệp đã không được quyết ngay tại kỳ họp Quốc hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục