Giáo dục nhiều yếu kém, có lỗi của ngành sư phạm

Bất kỳ ai đang tham gia vào các hoạt động dạy học và giáo dục đều sốt ruột về đội ngũ giáo viên những năm gần đây. Sự kiện trầm trọng tới mức trong suốt nhiều kỳ đại hội Đảng, nhiều hội nghị Trung ương và nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước về giáo dục đều nhấn mạnh về sự yếu kém, bất cập của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

“Rõ ràng, để dẫn đến sự yếu kém đó, không thể không có sự liên can tới khoa học sư phạm. Khoa học sư phạm chưa thực hiện tốt việc xác định và cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho hàng loạt vấn đề về phát triển giáo viên,” ông Phan Trọng Ngọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói.
Bất kỳ ai đang tham gia vào các hoạt động dạy học và giáo dục đều sốt ruột về đội ngũ giáo viên những năm gần đây. Sự kiện trầm trọng tới mức trong suốt nhiều kỳ đại hội Đảng, nhiều hội nghị Trung ương và nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước về giáo dục đều nhấn mạnh về sự yếu kém, bất cập của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

“Rõ ràng, để dẫn đến sự yếu kém đó, không thể không có sự liên can tới khoa học sư phạm. Khoa học sư phạm chưa thực hiện tốt việc xác định và cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho hàng loạt vấn đề về phát triển giáo viên,” ông Phan Trọng Ngọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói.

Khoa học sư phạm chưa thực hiện tốt vai trò của mình cũng như chưa phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò của nó cũng là nhận định chung của các nhà khoa học giáo dục tại “Hội thảo Khoa học Sư phạm trong chiến lược phát triển giáo viên, yếu tố căn bản đổi mới giáo dục Việt Nam” vừa được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng nay, ngày 28/12/2011.

Nếu chỉ truyền thụ là lạc hậu

Chỉ ra vấn đề một cách cụ thể hơn, ông Ngọ cho rằng, nhà trường hiện nay đã không theo kịp với nhu cầu xã hội. Người học cần một ngôi trường hiện đại, trong đó hoạt động của người học phải là hoạt động khám phá thế giới và chính bản thân họ. Đó là hoạt động sáng tạo ra các năng lực người ở mỗi cá nhân.

Để làm được điều đó, không thể chỉ bằng hoạt động nhận thức, truyền thụ như truyền thống mà phải bằng một hệ phức hợp các hoạt động thực tiễn, khám phá và sáng tạo của người học. Qua đó, hình thành và phát triển các năng lực người, để sống và làm chủ được cuộc sống của mình trong điều kiện thực tế của một xã hội khoa học, trí tuệ, nhân bản, văn hóa và quốc tế.

Theo đó, vị Viện trưởng này cho rằng phải cấu trúc lại hệ thống nhà trường từ mục tiêu, nội dung, phương pháp và phương thức vận hành mới gắn liền và phục thuộc và sự nghiệp cải cách sư phạm.

Cần một lực lượng giáo viên với những yêu cầu mới cũng là nhận định của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Theo bà Bình, người thầy hiện nay không thể chỉ làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức một chiều, nói lại cho học sinh những gì mình biết rồi yêu cầu học sinh tiếp nhận cách thụ động những tri thức đó. Nếu chỉ đơn giản như vậy thì vai trò của người thầy đang bị suy giảm trước sức mạnh chuyển tải của công nghệ thông tin.

“Điều quan trọng là người thầy phải làm cho học sinh có tâm thế tích cực, tự giác tìm kiếm tri thức và trang bị cho học sinh phương pháp học hỏi để tiếp cận, chiếm lĩnh, làm chủ tri thức,” bà Bình nói.

Yếu kém từ khoa học sư phạm

Sư phạm là ngành đào tạo ra giáo viên, cỗ máy cái có vai trò quyết định trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, khoa học về sư phạm ở Việt Nam lại chưa phát triển tương xứng với vai trò của nó. Trong khi giáo viên loay hoay với tìm phương pháp dạy học trò cho đúng với yêu cầu mới thì chính ngành sư phạm cũng chưa tìm được hướng đào tạo giáo viên mới do khoa học sư phạm còn hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, dạy học là nghề đặc biệt vì nó liên quan đến việc xây dựng con người. Và là một nghề nên để thành công, nó cần có sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật.

Khoa học sư phạm, theo quan niệm thông thường, là khoa học về giảng dạy và giáo dục trong nhà trường. “Đó là một khoa học cơ bản, nền tảng của ngề dạy học, do đó cần phải được nghiên cứu nghiêm túc và công phu để trên cơ sở của những kết quả nghiên cứu, trường sư phạm sẽ giúp sinh viên sở hữu khoa học ấy để họ có vốn mà hành nghề. Vậy mà rất tiếc, một số anh chị em giảng dạy và quản lý ở trường sư phạm vẫn nói với tôi, trường sư phạm chúng ta chưa thể hiện được rõ rệt các chức năng đào tạo nghề dạy học,” bà Bình chia sẻ.

Cũng theo bà Bình, cần làm rõ mục tiêu đào tạo cụ thể và trong chương trình đào tạo của trường sư phạm, phần nội dung thực sự có tác dụng về mặt nghề nghiệp như khoa học tâm lý, giáo dục học, khoa học nhân văn… và đặc biệt vấn đề rèn luyện nghiệp vụ phải chiếm một tỷ trọng thích đáng.

Trong nhiều sai phạm của giáo viên được dư luận phản ánh, chủ yếu thể hiện sự non kém trong ứng xử sư phạm. Nguyên Phó chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh trách nhiệm cá nhân của thầy cô giáo có sai sót, còn có trách nhiệm của trường sư phạm, nơi đào tạo ra các nhà giáo đó. “Không thể rũ bỏ trách nhiệm của mình trước những khuyết tật của sản phẩm đào tạo,” bà Bình nói.

Thừa nhận những yếu kém trong đào tạo sư phạm, ông Nghiêm Đình Vỳ, Viện Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, các trường sư phạm cũng không nằm ngoài tình trạng đáng lo ngại của giáo dục đại học nói chung và ngay trong bản thân các trường sư phạm, nhận thức về khoa học giáo dục cũng còn những điều băn khoăn.

Với hàng chục năm gắn bó với hoạt động sư phạm, ông Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, cho rằng, để ngành sư phạm phát triển, đào tạo sư phạm tốt thì phải có khoa học nghiên cứu soi đường, làm tiền đề để chỉ ra các phương pháp đào tạo, yêu cầu đào tạo giáo viên trong từng giai đoạn phát triển, nhưng khoa học sư phạm chưa phát triển tương xứng với vai trò của nó.

Thực hiện cải cách căn bản, toàn diện trong thời đại khoa học phát triển không thể bằng các giải pháp hành chính dựa trên ý chí kinh nghiệm chủ nghĩa.

“Chúng ta chỉ thành công khi giải quyết vấn dề giáo dục bằng nghiên cứu khoa học được tổ chức có hệ thống, chặt chẽ. Tiếc rằng cơ quan, tổ chức chuyên trách, đầu mối thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành sư phạm đã mai một dần từ khi Bộ Giáo dục sáp với nhập Bộ Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp. Dấu vết còn sót lại là Trung tâm Nghiên cứu Giáo viên trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục, nay chuyển vào Viện nghiên cứu Sư phạm của Đại học Sư phạm”, ông Báo ngậm ngùi nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục