Giáo dục xây dựng con người Việt Nam có lý tưởng

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, và cho ý kiến về Dự án Luật viễn thông.
Ngày 24/10, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, và cho ý kiến vào Dự án Luật viễn thông.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Sáng 24/10, phát biểu tại phiên họp tổ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Tổng Bí thư bày tỏ quan tâm đến những nội dung mới được đưa vào sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này như đưa giáo dục mầm non vào điều chỉnh trong Luật; vấn đề hợp tác giáo dục; chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; thời gian đào tại trình độ tiến sỹ...

Tổng Bí thư cho rằng thời gian qua việc thành lập quá nhiều các trường đại học mà không hội tụ đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đã gây dư luận không tốt trong xã hội, cần rà soát lại hệ thống các trường đại học một cách chặt chẽ để công tác quản lý được thực hiện tốt hơn.

Các điều luật cần được thiết kế chặt chẽ, không bó lại mà phải tiếp cận được dòng chảy chung của kiến thức thế giới. Việc giáo dục lý tưởng con người là khó nhất nên phải làm tốt công tác giáo dục từ cấp học mầm non trở đi.

Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Giáo dục phải toát lên được mục tiêu xây dựng con người Việt Nam có lý tưởng, biết yêu quê hương, đất nước...

Cho ý kiến vào thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giao thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học cho Thủ tướng Chính phủ quyết định, bởi việc thành lập trường đại học liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch Đầu tư, Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố...

Ngoài ra, thời gian qua tình trạng phát triển các trường đại học một cách ồ ạt đã gây lo ngại cho xã hội. Nếu tập trung quyền thẩm định, thành lập trường cho bộ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này... Các đại biểu đề nghị nên giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này dưới một góc nhìn khác, có đại biểu đề nghị thẩm quyềt quyết định thành lập trường đại học nên phân cấp chứ không nên dồn hết cho Chính phủ. Các trường đại học có đẳng cấp, tương đương với các trường tiên tiến trong khu vực nên giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định. Các trường còn lại nên giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Về vấn đề giáo dục mầm non, nhiều đại biểu bày tỏ hoan nghênh việc sửa đổi luật theo hướng “phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi” đã thể hiện tính ưu việt của chế độ và khẳng định thành tựu quốc gia trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ em. Giáo dục mần non rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách con người, vì vậy trong luật phải thể hiện được sự cân đối gữa các cấp học, trong đó có giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng vấn đề giáo dục mầm non vẫn chưa được quan tâm đúng mức với bốn cái “nhất” trong những năm qua, đó là đầu tư ngân sách Nhà nước thấp nhất; tỷ lệ trẻ đến trường thấp nhất (tính từ độ tuổi 3 tháng đến 5 tuổi); số lượng trường công lập thấp nhất; số trường chuẩn thấp nhất, đồng thời bổ sung một cái “nhất” nữa cho ngành giáo dục mầm non, đó là chế độ lương của giáo viên hợp đồng mầm non hiện đang thấp nhất...

Các đại biểu cũng đề nghị nên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý mảng dạy nghề không nên để tình trạng hai bộ quản lý chung như hiện nay và đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo vào trong Luật.

Quy định cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông

Chiều 24/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội họp tại Hội trường, cho ý kiến vào Dự án Luật viễn thông.

Dự án Luật Viễn thông sau khi chỉnh sửa, trình xin ý kiến Quốc hội gồm 10 Chương, 63 Điều (gộp một số điều, bỏ 1 điều và bổ sung 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

Luật Viễn thông quy định về hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông.

Các đại biểu nhất trí về việc quy định cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, vì hoạt động quản lý viễn thông không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế-xã hội mà còn liên quan đến an ninh, quốc phòng và bảo vệ quyền lợi quốc gia về viễn thông và cũng là hình thức thực hiện những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và phù hợp với tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU).

Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, do Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn.

Trong điều kiện Việt Nam, việc quy định Quỹ viễn thông công ích trong Luật Viễn thông là cần thiết, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nơi chi phí cung cấp dịch vụ cao, đầu tư dịch vụ không có lãi.

Xung quanh quy định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đại biểu cho rằng, hiện nay, dịch vụ viễn thông tuy nhiều, nhưng chất lượng chưa cao. Người sử dụng dịch vụ viễn thông, nhất là dịch vụ điện thoại không nhận được sự bảo vệ quyền lợi từ các cơ quan chức năng.

Vì vậy, dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể hơn về chất lượng dịch vụ, quy chuẩn của cơ quan kiểm định để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Luật quy định rõ chế tài đối với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kém chất lượng, sai các tiêu chuẩn đã cam kết.

Có đại biểu quan tâm đến việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành giao thông, điện lực, cấp nước, thoát nước, viễn thông và cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến việc khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng và tính cạnh tranh trong kinh doanh, vì thế Chính phủ phải có quy định cụ thể, chi tiết.

Về quy định phí quyền hoạt động viễn thông, có đại biểu nhất trí với quy định Dự thảo Luật tài nguyên viễn thông là loại tài sản đặc biệt, tài nguyên vô hình là tài sản quốc gia, vì thế không áp dụng theo Luật Thuế tài nguyên. Tuy nhiên, theo đại biểu này, cần có những quy định cụ thể hơn về cơ quan quản lý phí, cách tính phí và sử dụng nguồn tài chính thu từ phí quyền hoạt động viễn thông.

Tổng kết ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, nghiên cứu chỉnh sửa Dự thảo Luật cho phù hợp, trước khi trình Quốc hội thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục