"Giao hưởng 1.000 người" nhân đại lễ ngàn năm

Biểu diễn bản "Giao hưởng số 8" hay còn được mệnh danh là "Bản giao hưởng 1.000 người" của nhà soạn nhạc, chỉ huy Gustav Mahler (Áo) là chương trình đặc biệt của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm 2010.

Biểu diễn bản "Giao hưởng số 8" hay còn được mệnh danh là "Bản giao hưởng 1.000 người" của nhà soạn nhạc, chỉ huy Gustav Mahler (Áo) là chương trình đặc biệt của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm 2010.
 
Bản "Giao hưởng số 8" là một tác phẩm đồ sộ, đỉnh cao trong nền âm nhạc giao hưởng thế giới với quy mô lớn rất thích hợp biểu diễn trong những dịp đại lễ.
 
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam khẳng định: Tổ chức sự kiện âm nhạc đặc biệt "Giao hưởng 1.000 người" không chỉ là sự kiện chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội mà còn là cơ hội để thu hút bạn bè quốc tế đến với Hà Nội, Việt Nam, nâng tầm chương trình này thành sự kiện quốc tế hấp dẫn.
 
Để biểu diễn tác phẩm âm nhạc đỉnh cao này, ngoài 90 nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam còn có 30 nghệ sĩ của các dàn nhạc khác; 3 ca sĩ giọng nữ cao, 2 giọng nữ trầm, 1 giọng nam cao, 1 giọng nam trung và 1 giọng nam trầm.
 
Đặc biệt, sẽ có một dàn đại hợp xướng 1.000 người (một nửa là người nước ngoài) tham gia biểu biểu trong đó có hợp xướng trẻ em gồm 140 em và 2 hợp xướng hỗn hợp, mỗi hợp xướng gồm 430 người. Nhạc trưởng tài ba Honna Tetsuji (Nhật Bản) sẽ chỉ huy dàn nhạc.
 
Chương trình biểu diễn "Bản giao hưởng 1.000 người" sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình để công chúng cả nước theo dõi.
 
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho biết cần khoản kinh phí lên tới 200.000 USD để tổ chức sự kiện trọng đại này do quy mô tổ chức đồ sộ, không chỉ có các nghệ sĩ Việt Nam mà còn có nghệ sĩ danh tiếng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
 
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam hiện không thể đủ khả năng tài chính, nhân lực để thực hiện chương trình. Do đó, Dàn nhạc đang kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tham gia tài trợ và tham gia hợp xướng tình nguyện để chương trình thành công.
 
Thông tin chi tiết được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tại địa chỉ www.vnso.org.vn.
 
Từ năm 2007, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã bắt đầu trình diễn chùm nhạc giao hưởng của nhạc sĩ G. Mahler. Ông có nhiều tác phẩm đánh dấu sự phát triển tới đỉnh cao của âm nhạc giao hưởng thời kỳ hậu lãng mạn; là người có nhiều ảnh hưởng đối với các nhạc sĩ của thế kỷ 20.
 
Chùm nhạc giao hưởng của G. Mahler gồm 10 bản giao hưởng, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn trong 5 năm từ năm 2007 và kết thúc vào năm 2011 là năm kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhạc sĩ./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục