Giao hưởng thơ "Kiều" trong đêm hòa nhạc Việt Nam-Na Uy

Điểm nhấn của chương trình hòa nhạc đặc biệt Việt Nam-Na Uy là tiết mục biểu diễn giao hưởng thơ "Kiều" của các nghệ sỹ hai nước.
Giao hưởng thơ "Kiều" trong đêm hòa nhạc Việt Nam-Na Uy ảnh 1(Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thông tin từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam ngày 14/4 cho biết chương trình hòa nhạc đặc biệt Việt Nam-Na Uy với chủ đề "Bài ca hữu nghị" sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 17-18/4 với sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng hai nước.

Phía Việt Nam có sự tham gia của các nghệ sỹ dàn nhạc, nữ ca sỹ Đào Tố Loan và nghệ sỹ violon Nguyễn Thiện Minh. Về phía Na Uy có sự tham gia của giọng ca nam trung Halvor F. Melien.

Đặc biệt, bản giao hưởng thơ mang tên "Kiều" của nữ tác giả Đặng Hồng Anh được các nghệ sỹ biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Thomas Rimul.

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác thi ca của văn học Việt Nam, trong đó, ông đã đem thuyết "tài mệnh tương đố" (tài và mệnh ghét nhau) làm luận đề cuốn truyện thơ. Bên cạnh chữ tài, chữ mệnh và chữ tâm cũng được xem là những từ then chốt diễn đạt chủ đề của Truyện Kiều. Có thể nói, Truyện Kiều đã làm rung động tâm hồn biết bao thế hệ người Việt.

Giao hưởng thơ "Kiều" là thế giới cảm xúc và suy ngẫm của Đặng Hồng Anh về kiệt tác Truyện Kiều - Nguyễn Du. Dựa trên nội dung chính của Truyện Kiều, nhạc sỹ đã kể lại câu chuyện bằng ngôn âm nhạc và xây dựng bản giao hưởng thơ bằng thủ pháp phát triển các chủ đề, mô típ âm nhạc, dẫn dắt người nghe đồng hành với nàng Kiều cùng "trải qua một cuộc bể dâu"...để rồi được hưởng bình yên, hạnh phúc với tình yêu của chàng Kim Trọng.

Nhạc sỹ Đặng Hồng Anh sinh năm 1969 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Piano và khóa học Sáng tác tại Trường trung cấp Âm nhạc Quốc gia Gnesin tại Moskva năm 1988.

Chị tốt nghiệp đại học Sáng tác loại ưu năm 1993 và thạc sỹ năm 1998 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga Gnesin. Các sáng tác của nhạc sỹ Đặng Hồng Anh bao gồm các tác phẩm khí nhạc viết cho độc tấu, hòa tấu, dàn nhạc giao hưởng, thanh nhạc và hợp xướng.

Tổ khúc bốn chương cho Tứ tấu dây đã được Bộ Văn hóa Liên bang Nga mua bản quyền tác giả năm 1992. Nhạc sỹ Đặng Hồng Anh cũng đã tham dự "Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2014” tại Hà Nội với Biến tấu dành cho piano dựa trên chất liệu dân ca H’Mông "Nhớ em yêu" (H’chà mủa mái).

Ngoài giao hưởng thơ "Kiều", các nghệ sỹ còn biểu diễn Bản giao hưởng Số 1 “Giao hưởng Cổ điển” giọng Rê trưởng, Op.25 của nhạc sỹ Sergei Prokofiev (Nga); "Khúc hát của nàng Solveig", một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của tác giả Edvard Grieg (1843-1907), nhà soạn nhạc vĩ đại của Na Uy, cũng là một nghệ sỹ dương cầm; Bản Concerto viết cho Violin giọng Mi thứ, Op. 64 Felix Mendelssohn (1809-1847), nhà soạn nhạc người Đức, cũng là nghệ sỹ piano, organ và nhạc trưởng đầu thời kỳ âm nhạc Lãng mạn.

Là người đem lại sức sống mới cho thể loại nhạc giao hưởng, sonata và concerto, Sergei Prokofiev được đánh giá là một trong những nghệ sỹ cách tân thực sự của thế kỷ 20. Là người bắc nhịp cầu nối giữa hai thế giới của Nga tiền cách mạng và Liên bang Xô Viết , Prokofiev đã nổi tiếng toàn thế giới với sự nghiệp âm nhạc.

Sergei Prokofiev bắt đầu viết Bản giao hưởng Số 1 giọng Rê trưởng, Op.25 năm 1916 và hoàn thành tác phẩm này năm 1917. Tác phẩm mang chút phong cách của Haydn và được biết đến rộng rãi với cái tên "Bản giao hưởng cổ điển".

Được công diễn lần đầu tiên năm 1918 tại Petrograd do chính tác giả chỉ huy, bản giao hưởng này đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng và được yêu mến nhất. Nó được đánh giá là một trong những bản giao hưởng tân cổ điển đầu tiên.

Giọng ca Halvor F. Melien sinh năm 984. Anh từng theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia tại Oslo. Tuy còn trẻ nhưng Halvor F. Melien đã nhanh chóng khẳng định mình như một trong những ca sỹ được chào đón nhiều nhất tại Na Uy.

Anh đã tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, năm 2014, nam ca sỹ này đã lĩnh xướng vai Papageno trong tác phẩm "Cây sáo thần" cùng các nghệ sỹ Nhà hát Giao hưởng Vũ Kịch Thành Phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục