Giao lưu "Khúc ca hòa bình" kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris

Với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, hương trình giao lưu nghệ thuật “Khúc ca hòa bình” đã góp phần ôn lại sự kiện ký kết Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.
Giao lưu "Khúc ca hòa bình" kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris ảnh 1Các chiến sỹ giải phóng dũng cảm giữ từng tấc đất của Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tối 26/1, kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2018), Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Quỹ Phát triển du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật "Khúc ca hòa bình" tại Quảng trường Giải phóng, thị xã Quảng Trị.

Tham dự chương trình có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, chương trình giao lưu nghệ thuật “Khúc ca hòa bình” đã góp phần ôn lại sự kiện ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đây là thắng lợi lịch sử của quân và dân ta, đồng thời cũng là thắng lợi của lực lượng tiến bộ đấu tranh vì hòa bình và công lý trên toàn thế giới; qua đó gửi gắm thông điệp về tình đoàn kết giữa các dân tộc, về chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Qua giao lưu, các vị khách mời đã kể lại những câu chuyện về quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, tình hình tại Quảng Trị sau ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, giúp người dân hiểu rõ hơn về một sự kiện lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam diễn ra cách đây 45 năm.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris đã chia sẻ trong phóng sự ngắn tại buổi giao lưu: "Trong giây phút ấy, chúng tôi rất xúc động khi nghĩ đến đất nước, nghĩ đến nhân dân trải qua một cuộc chiến đấu quá lâu dài và có nhiều hy sinh to lớn. Chúng tôi nghĩ đến sự chỉ đạo, lãnh đạo tài tình của Đảng ta trên mọi mặt quân sự, chính trị, ngoại giao mà nhờ đó chúng ta có thắng lợi của Hiệp định Paris. Chúng tôi cũng nhớ đến bạn bè khắp năm châu đã ủng hộ rất kiên trì cho cuộc chiến đấu của nhân dân ta; đồng thời, cũng nghĩ đến gia đình."

Bên cạnh đó, khi chia sẻ về chiến trường Quảng Trị nói chung và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị nói riêng đã tác động đến diễn biến và kết quả của Hội nghị Paris, bà Nguyễn Thị Bình cho biết: "Ngoại giao có một vai trò hết sức quan trọng, mỗi một quyết định liên quan chặt chẽ đến chiến trường. Ở mỗi cuộc gặp ngoại giao, chúng tôi đều theo dõi rất sát sao tình hình trên chiến trường. Riêng ở Quảng Trị, đặc biệt là chiến trường trong 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị, đó là đòn cuối cùng quyết định Mỹ phải ngồi lại bàn thực chất dự thảo Hiệp định Paris do ta đưa ra."

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị khẳng định chương trình này phản ánh tâm nguyện của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, muốn xây dựng thị xã Quảng Trị thành thành phố mang biểu tượng của hòa bình, để du khách trong và ngoài nước khi đến với Quảng Trị không chỉ chiêm nghiệm ký ức bi hùng của chiến tranh vệ quốc, mà còn cảm nhận giá trị của hòa bình để cùng chung tay dựng xây đất nước.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục