Giao lưu “Ký ức Điện Biên” - ký ức thời làm báo chiến tranh

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ký ức Điện Biên” diễn ra tối 26/4 đưa người xem về miền ký ức thời làm báo chiến tranh và chiến thắng Điện Biên Phủ.
Giao lưu “Ký ức Điện Biên” - ký ức thời làm báo chiến tranh ảnh 1Giao lưu với nhà báo chiến trường lão thành Nguyễn Khắc Tiếp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ký ức Điện Biên” do Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Truyền thông Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức, đã diễn ra tối 26/4, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ chương trình “Ký ức Điện Biên” đưa chúng ta về miền ký ức thời làm báo chiến tranh và chiến thắng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng vang dội mang lại độc lập, tự do cho đất nước là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, thế giới đã ca vang tên “Việt Nam - Hồ Chí Minh” và vị tướng huyền thoại - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hòa trong sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc ấy, báo chí là một binh chủng đặc biệt, vũ khí đặc biệt tham gia trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Hà Minh Huệ nhấn mạnh những dòng tin, bài báo, bức ảnh, thước phim ghi lại chiến dịch là những tư liệu lịch sử quý báu, là công sức và cả máu của các nhà báo chiến sỹ.

Trong chương trình “Ký ức Điện Biên,” thông qua câu chuyện của những nhà báo đã từng tham gia chiến dịch, chúng ta có dịp hiểu thêm tầm quan trọng và vai trò của báo chí, công tác tuyên truyền trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, có một tòa soạn báo tiền phương, xuất bản tại mặt trận để phục vụ cuộc chiến tranh cam go, thử thách của dân tộc.

Việc quyết định cho ra đời Báo Quân đội Nhân dân ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ là một quyết định độc đáo, sáng tạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ, nhằm phục vụ đắc lực nhất cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những nhà báo chiến trường đã thực sự trở thành những chiến sỹ trên mặt trận, họ đã sử dụng vũ khí đặc biệt để tham gia chiến dịch là báo chí.

Trong điều kiện ác liệt nhất, các nhà báo đã cho ra đời các tác phẩm báo chí kịp thời để phục vụ cán bộ, chiến sỹ ngay tại chiến trường, vừa vận hành chiến sự vừa phục vụ đời sống tinh thần cho chiến sỹ.

Trong chương trình, khán giả có dịp giao lưu với nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp (nay đã 91 tuổi), nguyên phóng viên báo Quân đội Nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một trong 5 nhà báo góp phần cho ra đời một tập báo phục vụ cán bộ, chiến sỹ ngay tại chiến trường.

Với quan niệm cây bút là súng, bài báo là đạn, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp đã cùng với đồng nghiệp của mình, một tập thể với nhân lực rất hạn chế nhưng đã tạo ra được những tác phẩm báo chí mang dấu ấn lịch sử.

33 số báo Quân đội Nhân dân được xuất bản ngay tại mặt trận của những nhà báo chiến trường đã phản ánh chân thực sự hy sinh, cống hiến vĩ đại của nhân dân, máu xương của người lính, tài năng đức độ của người cầm quân.

Khán giả cũng được giao lưu với Đại tá Nguyễn Xuân Mai (82 tuổi), cựu chiến binh Điện Biên Phủ, nguyên Tổng Biên tập báo Phòng không - Không quân, nguyên Tổng Biên tập báo Cựu chiến binh Việt Nam.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chiến sỹ liên lạc, sáng nào cũng phải mang báo cáo của đại đội lên tiểu đoàn nên ông gần như thường xuyên được tiếp xúc với báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại Điện Biên Phủ. Ông đã chia sẻ những cảm xúc đặc biệt khi cầm những tờ báo còn nóng hổi vì được gói lá dong để đọc cho chiến sỹ nghe.

Thông qua câu chuyện của các nhà báo lão thành, khán giả còn nhận thấy không chỉ tờ báo Quân đội Nhân dân ngoài mặt trận mà một số cơ quan báo chí như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Cứu quốc, báo Nhân dân ở hậu phương cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ chính trị của mình trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Bên cạnh phần giao lưu với những nhân chứng lịch sử, chương trình “Ký ức Điện Biên” còn có những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, khắc họa và ngợi ca cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc như "Tuyên truyền xung phong," "Hò kéo pháo," "Noi gương anh Cả toàn quân"…

Cùng với chương trình “Ký ức Điện Biên,” nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc hành trình về nguồn “Trở lại chiến trường, tòa soạn xưa tri ân đồng đội.”

Tại chương trình này, Ban tổ chức và các nhà tài trợ đã trao những phần quà, sổ tiết kiệm đầy tình nghĩa tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; dâng hương, làm lễ cầu siêu cho các đồng đội đã hy sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục