Giao lưu, trao học bổng khoa học cho nữ trí thức

Trên 250 đại biểu nữ trí thức của hơn 20 trường đại học, học viện, viện dự giao lưu nữ trí thức trẻ, tổ chức ngày 18/10, ở Hà Nội.
Trên 250 đại biểu nữ trí thức, với gần 50% là nữ trí thức trẻ của trên 20 trường đại học, học viện và các viện đóng tại Trung ương và Hà Nội đã tham dự cuộc giao lưu nữ trí thức trẻ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tổ chức ngày 18/10, tại Hà Nội.

Trong số những nữ trí thức trên có khoảng 45% đạt trình độ tiến sỹ. Những đại biểu nữ trí thức trên là những chị em có nhiều thành tích trong học tập, công tác, góp phần đáng kể vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Buổi giao lưu là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp ghi nhận ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nữ trí thức trẻ để tiếp tục đưa ra chính sách, giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, khai thác, phát huy tiềm năng của đội ngũ nữ trí thức trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để họ đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam khẳng định rằng trong xu thế hội nhập và phát triển nền kinh tế tri thức hôm nay, nữ trí thức nói chung, nhất là nữ trí thức trẻ đã tỏ rõ khả năng của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Là những người trẻ tuổi, được tạo môi trường học tập và lao động khá thuận lợi, cùng với nghị lực vươn lên, nữ trí thức trẻ đã bắt nhịp nhanh với các tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư nghiên cứu, bước đầu nhiều chị em đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn.

Tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch nước đã cùng các nữ trí thức trẻ trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác, những khó khăn vướng mắc, giải pháp cần có để tạo điều kiện, khích lệ các chị em trẻ đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Một số nữ trí thức đã thẳng thắn chia sẻ khó khăn đối với phụ nữ làm khoa học như tiến sỹ Trần Vân Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gen-Protein, Đại học Y Hà Nội. Chị cho biết đối với phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học hiện nay gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Bản thân các nữ tiến sỹ ngoài công việc nghiên cứu vẫn cố gắng làm tròn nghĩa vụ của người vợ, người mẹ trong gia đình nên nhiều chị chỉ có thể tiến hành nghiên cứu khi đêm đã khuya.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Vân Anh, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã học ở Nhật Bản cho biết các nữ trí thức làm công tác giảng dạy rất muốn dành nhiều thời gian tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, có thêm nhiều công trình nghiên cứu nhưng thời gian giảng dạy đã chiếm mất nhiều thời giờ trong quỹ thời gian của các chị. Đa số các nữ trí thức đều mong muốn có sự bình đẳng hơn nữa trong nghiên cứu khoa học, đánh giá năng lực...

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao những đóng góp của nữ trí thức trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học.

Bà Nguyễn Thị Doan cũng đồng ý với những đề xuất của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về việc khen thưởng đặc biệt đối với những nữ trí thức đã bảo vệ xong luận án tiến sỹ. Đồng thời, đề nghị các bộ, ban ngành liên quan nghiên cứu, thay đổi cơ chế chính sách cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho trí thức, đặc biệt là nữ trí thức dễ dàng hơn khi đăng ký đề tài nghiên cứu, thành lập Quỹ hỗ trợ riêng cho nữ tiến sỹ.

Phó Chủ tịch nước cũng mong muốn Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, thành lập thêm các chi hội tới các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu để thực sự trở thành tổ chức đại diện cho nữ trí thức Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, L'ROREAL trao học bổng khoa học L'OREAL-UNESCO "Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học" năm 2011 cho 3 nữ tiến sỹ là Ứng Thị Diệu Thúy, Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam; Trần Vân Khánh, Đại học Y Hà Nội; Hoàng Thị Bích Thảo, Đại học Nông lâm Thái Nguyên./.

PV (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục