Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất

Báo VietnamPlus phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Sử dụng vắcxin sởi do Việt Nam sản xuất: Sự lựa chọn an toàn?”
Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất ảnh 1Vắcxin phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, dịch sởi tại nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng gia tăng ở nhiều nước. Tại Việt Nam, mấy tháng gần đây, dịch sởi cũng đang có chiều hướng gia tăng bất thường ở nhiều địa phương.

Bệnh sởi rất dễ lây, tuy nhiên có một biện pháp phòng bệnh hiệu quả đó là tiêm vắc xin cho trẻ. Đặc biệt, vắcxin sởi-rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất bắt đầu được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc. Vắcxin sởi-rubella (MRVAC) do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế sản xuất.

Vắcxin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng hiệu quả ra sao? Để hiểu rõ hơn về bệnh sởi, cách phòng tránh và việc tiêm vắcxin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất hiệu quả ra sao Báo VietnamPlus phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Sử dụng vắcxin sởi do Việt Nam sản xuất: Sự lựa chọn an toàn?”

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm có:

Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm – Trưởng Khoa Truyễn nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương).

Mời bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi cho các khách mời về địa chỉ: vietnamplus2008@gmail.com

Bạn đọc: Xin bác sỹ cho biết tình hình bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay ra sao?

- Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận gần 500 trẻ bị mắc sởi và hầu hết là các trẻ đều chưa được tiêm chủng. Thời gian gần đây, có những ngày Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 10-12 ca trẻ mắc sởi phải nhập viện.

Bạn đọc: Nhà tôi có nhiều trẻ nhỏ, xin bác sỹ cho biết bệnh sởi hay mắc ở lứa tuổi nào?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm:Thông thường, bệnh sởi thường hay mắc ở các trẻ trên 9 tháng tuổi vì lứa tuổi dưới 9 tháng thường có miễn dịch từ mẹ bảo vệ trẻ không mắc sởi. Tuy nhiên, bất kể ai chưa có miễn dịch với sởi đều có thể bị mắc sởi.
Bạn đọc: Qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết hiện nay dịch sởi đang gia tăng và có diễn biến bất thường trên thế giới. Đại diện Bộ Y tế có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này?

Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa: Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới đang cảnh báo sự gia tăng đáng kể dịch bệnh sởi tại các nước châu Âu.

Trong 6 tháng đầu năm, các nước châu Âu đã ghi nhận hơn 41.000 trường hợp mắc sởi, cao hơn 70% so với cả năm 2017, trong đó có ít nhất 37 trường hợp tử vong. 7 quốc gia có số mắc cao nhất với trên 1.000 trường hợp mắc gồm: Ukraine, Gruzia, Italy, Nga, Serbia, Pháp, Hy Lạp. Trong đó Ukraine có số trường hợp mắc cao nhất với 23.000 trường hợp mắc.

Đặc biệt việc ghi nhận sự lây truyền bệnh sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga), điều này dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân dịch sởi gia tăng tại các nước châu Âu là do tỷ lệ bảo phủ vắc xin sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước.

Năm 2017, tỷ lệ bao phủ vắcxin sởi toàn châu Âu đạt tỷ lệ trung bình là 90%, trong khi một số nước đạt trên 95% thì còn nhiều nước mới đạt tỷ lệ dưới 70%. Tỷ lệ này đặc biệt thấp tại Ukraine với tỷ lệ tiêm vắcxin sởi 31% vào năm 2016.
Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất ảnh 2Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn tặng hoa các vị khách mời tham gia trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)
Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất ảnh 3Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm – Trưởng Khoa Truyễn nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) trả lời câu hỏi tại cuộc giao lưu trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)

Bạn đọc: Để phòng bệnh sởi và không để dịch bệnh lớn xảy ra với nhiều hậu quả như 4 năm trước, việc tiêm phòng được xác định là biện pháp số 1. Hiện nay, lịch tiêm phòng bệnh sởi cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được đưa ra như thế nào thưa chuyên gia?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan rất nhanh. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, thậm chí là tử vong.

Vắcxin sởi được coi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Điều này đã được các quốc gia trên thế giới khẳng định.

Hiện nay vắcxin sởi được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng hơn 30 năm qua. Mũi một vắcxin sởi được áp dụng cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và mũi hai cho trẻ lúc 18 tháng tuổi dưới dạng vắcxin phối hợp sởi-rubela. Lịch tiêm chủng hai mũi vắcxin sởi có thể đảm bảo cho khoảng 95% số trẻ em đã tiêm chủng được phòng bệnh hiệu quả.

Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất ảnh 4Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trả lời câu hỏi tại cuộc giao lưu trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)
Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất ảnh 5Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời câu hỏi tại cuộc giao lưu trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)

Bạn đọc: Tôi được biết, hiện nay vắcxin phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất đã đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tình hình triển khai, kết quả bước đầu của công tác này ra sao?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Vắcxin phối hợp sởi-rubela nhập khẩu do Liên minh toàn cầu vắcxin và tiêm chủng (GAVI) đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2014 trong chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho khoảng 20 triệu trẻ từ một đến 14 tuổi trên toàn quốc. Vắcxin này đã góp phần khống chế thành công dịch sởi và dịch rubela. 

Năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu vắcxin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Bộ Y tế, đã sản xuất thành công vắcxin sởi-rubela. Vắcxin này đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành và hiện nay đã được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ đầu năm 2018.

Lịch tiêm chủng vắcxin sởi-rubela do Việt Nam sản xuất vẫn được áp dụng cho trẻ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên. Bên cạnh đó, vắcxin này cũng đã được tiêm chủng cho trẻ từ một đến bốn tuổi tại các vùng nguy cơ cao trong quý ba năm nay. Đã có hàng triệu liều vắcxin sởi-rubela do Việt Nam sản xuất được đưa vào sử dụng an toàn cho trẻ em trên toàn quốc.

Bạn đọc: Con tôi mới 6 tháng tuổi. Qua tìm hiểu thực tế, tôi được biết hiện nay trẻ 9 tháng tuổi mới đến lịch tiêm phòng bệnh sởi. Trong khi hiện nay thông tin từ các bệnh viện trên báo chí cho thấy có rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi đã mắc bệnh sởi, khi chưa đến giai đoạn tiêm phòng, điều này có gì bất thường không thưa bác sỹ?

 
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường có miễn dịch từ mẹ truyền sang nên sẽ bảo vệ không bị sởi. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn gặp nhiều trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc sởi, nguyên nhân có thể do trẻ chưa có được miễn dịch từ mẹ sang con. 

Bạn đọc: Hiện nay, theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng Tám, ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi nhập viện tại các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố. Bộ Y tế đã có những đánh giá ra sao về bệnh sởi tại các đơn vị trên?

Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa: Năm nay, dịch bệnh sởi xuất hiện đầu tiên tại các tỉnh miền Bắc và gần đây đã xuất hiện tại một số tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh sởi năm nay đến sớm, rải rác ở nhiều địa phương. Cùng với số lượng tích lũy lớn các trẻ chưa có kháng thể bảo vệ bệnh sởi trong cộng đồng thì nguy cơ gia tăng, thậm chí có thể bùng phát dịch bệnh sởi trong mùa Đông-Xuân tới là rất cao.

Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đặc biệt với dịch bệnh sởi, những người sinh từ năm 1984 đến năm 1997 là những người chưa được bảo vệ bởi các chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubela trước đây nên đi tiêm vắcxin sởi-rubela để bảo vệ cho bản thân, qua đó góp phần tránh lây lan bệnh cho con, gia đình cũng như cộng đồng./.

Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất ảnh 6Toàn cảnh cuộc giao lưu trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)

Bạn đọc: Chuyên gia có thể cho biết, vắcxin phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất sau khi được triển khai tiêm ở nhiều địa phương, trẻ sau khi tiêm vắcxin này có những phản ứng phụ gì không?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Việc tiêm chủng vắcxin sởi-rubela được thực hiện tại tất cả các xã phường trên toàn quốc và tuân thủ các quy định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho trẻ em. Trước đó, vắcxin sởi-rubela do POLYVAC sản xuất đã được triển khai trên quy mô nhỏ cho hàng chục ngàn trẻ em tại bốn tỉnh, thành phố của cả bốn khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và cho thấy vắcxin này là rất an toàn.

Sau hơn 5 tháng sử dụng không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vắcxin sởi-rubela do POLYVAC sản xuất. Các địa phương báo cáo một số trường hợp phản ứng nhẹ như sốt, phát ban sau tiêm vắcxin. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều tự khỏi trong vòng một đến hai ngày. Đối với các trẻ có phát ban nhưng dấu hiệu thường nhẹ, không điển hình và không cần phải điều trị. Tuy nhiên, tỷ lệ này nằm trong mức quy định đã được nhà sản xuất thông báo.

Bạn đọc: Hiện nay, nhiều người nhầm lẫn bệnh sởi với việc dị ứng, bác sỹ có thể chỉ ra những dấu hiệu để nhận biết bệnh sởi?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Bệnh sởi khác hoàn toàn với dị ứng. Khi mắc sởi trẻ thường sốt cao kèm theo viêm kết mạc, viêm long đường hô hấp và trong những ngày đầu có thể xuất hiện những hạt Koplik màu trắng ở miệng, sau đó trẻ mới xuất hiện phát ban đỏ theo thứ tự từ mặt xuống chân, lúc ban lặn cũng theo thứ tự ban đầu và để lại vết thâm trên da, người ta thường gọi là vết lằn da hổ.

Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất ảnh 7Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm – Trưởng Khoa Truyễn nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) trả lời câu hỏi tại cuộc giao lưu trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)

Bạn đọc: Con tôi trước kia tiêm các mũi 5 trong 1 và 6 trong 1, sắp tới nếu tiêm nhắc lại mũi sởi thì tiêm mũi sởi của Việt Nam hiệu quả phòng bệnh ra sao?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Vắcxin 5 trong 1 là vắcxin phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi viêm màng não do vi khuẩn Hib. Vắcxin 6 trong 1 có thêm thành phần bại liệt. Các vắcxin này được viêm chủng cho trẻ lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Như vậy, trẻ chưa được tiêm phòng bệnh sởi. Mũi một vắcxin sởi được áp dụng cho trẻ lúc 9 tháng tuổi, sử dụng vắcxin sởi đơn và mũi 2 cho trẻ lúc 18 tháng tuổi, dưới dạng vắcxin phối hợp sởi-rubela.

Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất ảnh 8Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời câu hỏi tại cuộc giao lưu trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)

Bạn đọc: Hiện nay ở nhiều vùng sâu, vùng xa việc tiêm chủng còn nhiều khó khăn. Vậy Bộ Y tế có những giải pháp như thế nào để công tác tiêm chủng không bị bỏ lửng và gián đoạn?

Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa: Để đảm bảo độ bao phủ và hiệu quả của công tác tiêm chủng, Bộ Y tế đã tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng như: đầu tư trang thiết bị, dây chuyền lạnh, đào tạo cán bộ tiêm chủng, đảm bảo việc cung ứng vắcxin và tổ chức các điểm tiêm chủng tại các xã, phường, thị trấn để người dân dễ tiếp cận đồng thời kéo dài ngày tổ chức tiêm chủng để người dân thuận lợi hơn trong việc đưa trẻ đi tiêm. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi người dân ở xa trạm y tế hoặc thường xuyên đi làm nương rẫy, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh tổ chức các điểm tiêm ở cụm thôn, bản hoặc đến tiêm trực tiếp tại các hộ gia đình, nương rẫy. Đặc biệt tại những vùng biên giới, vùng núi cao, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phối hợp với đơn vị bộ đội biên phòng để triển khai công tác tiêm chủng.

Trước tình hình dịch bệnh sởi có nguy cơ bùng phát trong năm nay, để chủ động phòng- chống dịch, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch để tổ chức chiến dịch tiêm vắcxin sởi cho những đối tượng nguy cơ cao trên toàn quốc.

Bạn đọc: Nhằm tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi trong tương lai theo khuyến cáo của WHO, bên cạnh trẻ em cần tiêm phòng đầy đủ, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tiêm phòng không thưa bác sỹ?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Ngoài việc trẻ phải tiêm phòng đầy đủ theo lịch thì với phụ nữ đến tuổi sinh đẻ cần được tiêm phòng sởi và rubella để có được kháng thể bảo vệ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không bị mắc sởi.

Bạn đọc: Tôi đang có ý định sắp tới mang thai. Bác sỹ có thể phân tích kỹ hơn việc người mẹ tiêm phòng bệnh sởi thì sẽ có khả năng bảo vệ cho bé sau khi sinh ra như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Để bảo vệ cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không bị mắc sởi thì các bà mẹ nên tiêm phòng sởi trước khi mang thai 3 tháng.

Bạn đọc: Để phòng bệnh sởi, bác sỹ có khuyến cáo như thế nào trong bối cảnh bệnh sởi đang gia tăng ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi là chúng ta cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của Bộ Y tế. Phụ nữ đến tuổi sinh đẻ cần được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi và rubella.

Bạn đọc: Đại diện chương trình tiêm chủng mở rộng có thể cho biết, liệu những vũng lõm về miễn dịch có khả năng lặp lại không?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Tỷ lệ tiêm chủng vắcxin sởi mũi một trên toàn quốc đạt trên 95% trong nhiều năm qua. Tỷ lệ tiêm chủng mũi hai cũng đạt trên 90%. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã góp phần khống chế bệnh sởi và phòng bệnh cho hàng triệu trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một số thôn bản, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 90% đồng thời, với xu hướng di biến động dân số gia tăng thì nguy cơ lây nhiễm virus sởi là hiện hữu. Nếu xuất hiện các vùng lõm về tiêm chủng thì nguy cơ tái xuất hiện bệnh sẽ xảy ra. Để phòng bệnh sởi và các biến chứng của bệnh, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm chủng vắcxin sởi, sởi-rubella đúng lịch, đủ mũi. Đây là biện pháp căn cơ nhất. Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng mở rộng cũng sẽ triển khai các chiến dịch tiêm chủng bổ sung tại vùng nguy cơ cao để đảm bảo cho 95% trẻ em được phòng bệnh sởi, chủ động ngừa dịch xảy ra.

Bạn đọc: Nhiều người có con mắc sởi thường muốn nhập viện để điều trị, như vậy có nên không thưa bác sỹ?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Khi trẻ nghi bị mắc sởi các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và tư vấn. Trẻ mắc sởi nên được cách ly, chăm sóc theo dõi tại nhà để tránh lây nhiễm chéo và lây lan trong cộng đồng, chỉ nên nhập viện khi có biến chứng như viêm phổi, viêm giác mạc, viêm màng não…

Bạn đọc: Với Việt Nam dịch sởi mấy năm gần đây và từ đầu năm đến nay diễn biến ra sao?

Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa: Từ năm 2018 đến nay cả nước ghi nhận hơn 2.300 trường hợp sốt phát ban tại 49 tỉnh, thành phố, trong đó có 954 trường hợp mắc sởi dương tính tại 37 tỉnh, thành phố. Phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có tới hơn 83% số trẻ là không được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vắcxin sởi.

So với cùng kỳ năm 2017, tình hình dịch bệnh sởi năm nay đang có chiều hướng gia tăng cao và sớm ngay từ những tháng mùa Hè.

Bạn đọc: Tôi lo lắng, liệu tình trạng bệnh sởi gia tăng tại Hà Nội trong thời gian gần đây và nhiều nơi khác liệu có mối liên quan gì đến chu kỳ của bệnh sởi lặp lại so với 4 năm trước không thưa chuyên gia?

Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa: Vắcxin sởi nếu được tiêm vào lúc trẻ 9 tháng tuổi thì có hiệu lực bảo vệ khoảng 88% số trẻ được tiêm. Và đến 18 tháng tuổi trẻ không được tiêm nhắc lại mũi 2 thì sẽ có 1 tỷ lệ trẻ không có kháng thể chống lại bệnh sởi. Số lượng này sẽ được tích lũy dần qua các năm, khoảng 4-5 năm sẽ có 1 số lượng lớn trẻ không có kháng thể bảo vệ bệnh sởi, tạo nguy cơ bùng phát dịch.

Chuyên gia giải đáp về bệnh sởi và vắcxin sởi Việt Nam sản xuất ảnh 9Thạc sỹ Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trả lời câu hỏi tại cuộc giao lưu trực tuyến. (Nguồn: Vietnam+)

 

Bạn đọc: Với việc sử dụng vắcxin phòng sởi do Việt Nam sản xuất an toàn, chúng ta chủ động được nguồn cung ứng vắcxin như thế nào và hiệu quả của vắcxin này so với nhiều nước khác mà Việt Nam vẫn và đang dùng trước đây?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Trong nhiều năm qua, những thành quả đạt được của Chương trình tiêm chủng mở rộng như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh… có phần đóng góp không nhỏ của chủ trương tự chủ nguồn vắc xin trong nước mà Bộ Y tế đã đề ra.

Hiện nay đã có 10 trong số 11 loại vắcxin sử dụng trong chương trình tiêm chủng do các đơn vị sản xuất trong nước cung cấp. Đây là lợi thế của Việt Nam so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới bởi có tự chủ được nguồn cung ứng vắcxin thì Chương trình tiêm chủng mở rộng mới có thể triển khai kịp thời các biện pháp, các hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung định kỳ, đột xuất cho hàng triệu lượt trẻ em mỗi năm.

Vắcxin sởi đơn và vắcxin phối hợp sởi-rubela đều được sản xuất tại Việt Nam. Trong tình hình bệnh sởi gia tăng và cần có những biện pháp tiêm chủng bổ sung, Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đề xuất Bộ Y tế cho phép triển khai hoạt động này tại các vùng nguy cơ cao sử dụng nguồn vắc xin sản xuất trong nước.

Việt Nam đã đề xuất Tổ chức Y tế thế giới xem xét, đánh giá vắcxin sởi đơn đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định. Dự kiến, sau khi được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép, Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất, xem xét, đánh giá đối với vắcxin phối hợp sởi-rubela.

Vắcxin sởi-rubela do Việt Nam là sản phẩm chuyển giao công nghệ do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Vắcxin này có hiệu quả phòng bệnh tương đương với vắcxin sởi-rubela nhập khẩu đã sử dụng trong các năm trước đây.

Vắcxin sởi-rubela cùng loại, trên cùng quy trình sản xuất tại Nhật Bản đã được cung ứng và sử dụng tại nhiều quốc gia.

 

Bạn đọc: hầu hết các trường hợp mắc bệnh sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh có đặc điểm chung là đều ở lứa tuổi dưới 9 tháng tuổi và chưa được tiêm phòng sởi. Đại diện chương trình tiêm chủng mở rộng đánh giá ra sao về vấn đề này?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Trong các năm gần đây, tỷ lệ mắc sởi là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi gia tăng, tại nhiều địa phương, đặc biệt trong thời gian xuất hiện ổ dịch. Tình trạng này có thể giải thích là do trẻ lớn đã được tiêm chủng và phòng bệnh nên số ca mắc giảm đi.

Trong khi đó, trẻ trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch tồn lưu do mẹ truyền cho nhưng ở mức rất thấp hoặc không còn kháng thể. Do vậy, nhóm trẻ này rất dễ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn lây từ những người xung quanh như cha mẹ, anh chị em. Do vậy, cha mẹ cần rửa tay, vệ sinh trước khi chăm sóc cho trẻ. Những người tiếp xúc gần với trẻ trong gia đình cần được tiêm chủng vắcxin sởi đơn hoặc phối hợp. Đặc biệt, anh chị em trong độ tuổi đi học cần được tiêm đủ hai mũi vắcxin sởi để phòng bệnh cho chính mình và trẻ nhỏ dưới 9 tháng.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét các biện pháp tiêm chủng để chủ động phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi tại những vùng nguy cơ cao.

Bạn đọc: Hiện nay với tỷ lệ bao phủ mũi vắcxin sởi khoảng 93-95%, tích lũy 4 năm con số chưa tiêm phòng vắc xin này không hề nhỏ. Vậy số % chưa tiêm phòng còn lại chúng ta đã có những giải pháp nào để khắc phục miễn dịch cho các đối tượng chưa được tiêm chủng?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vacxin sởi trên toàn quốc hiện đạt tỷ lệ cao song vẫn còn một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng dưới 90%. Sự tích lũy các cá thể chưa có miễn dịch phòng bệnh do chưa được tiêm chủng qua các năm sẽ là yếu tố thuận lợi để dịch sởi xảy ra. Tiêm vắcxin sởi lúc 9 tháng tuổi sẽ giúp cho khoảng 85% số trẻ tiêm vắcxin được phòng bệnh. Với tỷ lệ tiêm chủng hàng năm khoảng 90% sẽ có 80% trẻ em sinh ra hàng năm được phòng bệnh. Như vậy, nếu không tiêm mũi hai vắcxin sởi-rubella lúc 18 tháng tuổi thì vẫn còn 20% trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi.

Trong thời gian tới, chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng cường triển khai tiêm chủng vắcxin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ cộng đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung cho trẻ em chưa được tiêm chủng vacxin sởi hoặc chưa tiêm đủ mũi để giảm thiểu số trẻ nguy cơ mắc bệnh.

Các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng hai mũi vacxin sởi.

-Mũi một lúc 9 tháng tuổi.
-Mũi hai lúc 18 tháng tuổi

Và đưa trẻ đi tiêm chủng trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung.

Bạn đọc: Tôi được biết vắcxin phòng bệnh sởi có cả trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và chương trình tiêm chủng dịch vụ. Hai loại vắcxin phòng bệnh sởi này có gì khác nhau?

Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền: Vắcxin sởi sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm vắcxin sởi đơn và vắcxin phối hợp sởi-rubella. Ngoài ra, trên thị trường còn có các vắcxin phối hợp hai trong một sởi-rubella và vắcxin phối hợp ba trong một sởi-quai bị-rubella. Thành phần vắcxin sởi và rubella trong vắcxin của chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ là tương đương nhau.

Do vậy, những trẻ đã tiêm vắcxin hai trong một sởi-rubella hoặc vắcxin ba trong một sởi-quai bị-rubella tại các cơ sở dịch vụ vẫn có thể tiêm nhắc mũi tiếp theo với vắcxin sởi-rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà không cần tiêm lại từ đầu. Tương tự, những trẻ đã tiêm vắcxin sởi-rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn có thể tiêm nhắc mũi tiếp theo với vắcxin sởi-rubella tại các cơ sở dịch vụ.

 

Bạn đọc: Qua báo chí tôi được biết, hàng năm dịch sởi chủ yếu bùng phát mạnh vào mùa đông-xuân nhưng năm nay lại xuất hiện nhiều trường hợp mắc sởi như tại Hà Nội và một số tỉnh. Như vậy, dịch sởi hiện nay có gì bất thường không?

 
Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Sởi thường bùng phát mạnh vào mùa Xuân tuy nhiên năm nay sởi vẫn xuất hiện từ đầu năm và chủ yếu ở các trẻ chưa được tiêm chủng. Vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác với bệnh sởi và phải tiêm chủng đầy đủ để chủ động bảo vệ trẻ không mắc sởi.

Bạn đọc: Tôi xin hỏi bác sỹ, tôi đã mắc sởi 1 lần rồi thì có thể mắc lại bệnh sởi nữa không?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Sởi là bệnh có miễn dịch bền vững nên khi đã mắc sởi thì thường không bị mắc lại.

Bạn đọc: Xin bác sỹ cho biết, bệnh sởi có thể ảnh hưởng hay gây nguy hiểm cho sức khỏe trong những trường hợp như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm: Bệnh sởi có nhiều biến chứng như: Viêm phổi, viêm giác mạc, viêm tai giữa, viêm màng não… có thể gây nguy hiểm nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng, người suy giảm miễn dịch hoặc có những bệnh mãn tính khác. 

 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục