Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam thúc đẩy chương trình nghị sự APEC

Theo giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự cải cách của APEC trong nhiều cuộc họp của các nhóm, quan chức cấp cao và bộ trưởng.
Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam thúc đẩy chương trình nghị sự APEC ảnh 1Cổng chào với biểu tượng của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được trang trí trên các tuyến đường tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Nhân dịp Việt Nam là nước chủ nhà Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 (APEC-2017), phóng viên TTXVN tại Sydney đã có cuộc trao đổi với giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, về Tuần lễ Cấp cao APEC và vai trò của Việt Nam tổ chức sự kiện quan trọng này.

Giáo sư Thayer cho rằng mối quan tâm lớn đối với hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC là làm thế nào để đạt được mục tiêu đẩy mạnh tự do thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua Hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) trong bối cảnh xu thế chống toàn cầu hóa và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng.


[Giám đốc Ban Thư ký APEC: Việt Nam góp phần dẫn dắt tương lai Diễn đàn]

Các nền kinh tế thành viên APEC sẽ quan tâm đến việc duy trì sự liên quan của tổ chức này tại một thời điểm có nhiều thách thức xuất phát từ các sáng kiến cạnh tranh, chẳng hạn như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, cũng như sự thay đổi chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chủ nghĩa đa phương sang chủ nghĩa song phương.

Các nền kinh tế thành viên APEC cần phải cam kết thực hiện Tuyên bố Lima về FTAAP bằng cách phát triển các kế hoạch làm việc trong nhiều năm và đặt ra những mốc thời gian quan trọng.

Theo giáo sư Thayer, những thách thức lớn đối với xúc tiến thương mại và phát triển kinh tế là tâm lý ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở các nước có tỷ lệ tăng trưởng thấp và “sức đề kháng trước các tiêu chuẩn mới và cao hơn” như được thể hiện trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây. Những tiêu chuẩn cao này bao gồm tập trung vào tự do hóa các dịch vụ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tập trung nhiều hơn vào mở cửa cho thương mại điện tử, kỹ thuật số và trao quyền cho phụ nữ.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ toàn cầu, trong khi Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên.” Các nền kinh tế thành viên APEC cần ủng hộ hoàn toàn Hiệp định tạo điều kiện cho thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giảm các chi phí bằng cách cải thiện các chức năng của chuỗi cung ứng toàn cầu và loại bỏ các hàng rào phi thương mại.

Giáo sư Thayer cũng cho rằng để cân bằng quan hệ giữa các cường quốc trong APEC và tận dụng tối đa chương trình nghị sự của APEC nhằm thúc đẩy lợi ích phát triển kinh tế quốc gia, Việt Nam nên tận dụng cơ hội là Chủ tịch APEC 2017 để tổ chức các chuyến thăm chính thức đến Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đây không phải là thời điểm đặc biệt khó khăn đối với Việt Nam vì giữa Bắc Kinh và Washington có một sự hội tụ ngày càng tăng về cách đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và cách thức giải quyết những khác biệt về thương mại song phương giữa hai cường quốc này.

Theo giáo sư Thayer , chính sách ngoại giao của Việt Nam luôn rất giỏi trong việc làm thế nào để thu hẹp những khác biệt và hội tụ những lợi ích vật chất của các cường quốc. Do đó, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ nhìn thấy lợi ích trong việc ủng hộ quyền tự chủ và vai trò của Việt Nam như một quốc gia đóng góp tích cực cho an ninh khu vực.

Việt Nam đã rất nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự cải cách của APEC trong nhiều cuộc họp của các nhóm làm việc, các quan chức cấp cao và các bộ trưởng. Việt Nam sẽ phải thực hiện vai trò lãnh đạo tích cực để vượt qua những khó khăn.

Theo ông, các Bộ trưởng Kinh tế của APEC cũng đã thiết lập các ưu tiên cần thiết. Việt Nam cần phải vận động hành lang cho các khoản hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Cách tốt nhất để đạt được điều này là thông qua các cuộc họp song phương và các chuyến thăm chính thức của một số nguyên thủ quốc gia quan trọng.

Cũng theo giáo sư Karl Thayer, việc Việt Nam lần thứ hai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC thể hiện tầm quan trọng trong chính sách dài hạn của Việt Nam về việc đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại.

Thông qua Hội nghị Cấp cao APEC lần này, Việt Nam cũng nên giới thiệu sự phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng xinh đẹp và hiện đại nhằm chứng minh rằng Việt Nam là một quốc gia đóng góp mạnh mẽ và tích cực cho an ninh khu vực và toàn cầu. Để từ đó, Việt Nam có thể thu hút sự ủng hộ hơn nữa từ các nền kinh tế phát triển trong APEC nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục