Giáo sư đoạt Nobel: Kinh tế Mỹ ra khỏi đáy

Giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008, nhận định rằng nền kinh tế Mỹ có thể đã ra khỏi đáy và đang dần đi vào ổn định.
Giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008, nhận định rằng nền kinh tế Mỹ có thể đã ra khỏi đáy và đang dần đi vào ổn định.

Theo ông, dù chưa chắc chắn, nhưng có thể nhận định rằng suy thoái kinh tế đã chấm dứt vào tháng 7 hoặc tháng 8.

Nhận định sáng sủa về nền kinh tế hàng đầu thế giới được đưa ra sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo trong tháng 7 vừa qua, số người Mỹ bị mất việc làm giảm lần đầu tiên trong vòng một năm và tỷ lệ thất nghiệp giảm 1% so với tháng 6, xuống còn 9,4%.

Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II vừa qua chỉ giảm 1% sau khi đã giảm tới 6,4% trong quý I.

Theo ông Krugman, mặc dù kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ đã giúp hàng triệu người tìm lại được việc làm, song nền kinh tế nước này vẫn cần đến kế hoạch kích thích kinh tế thứ hai với trọng tâm là chi tiêu của chính quyền các bang và địa phương cũng như chi tiêu cho các công trình phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông cũng dự báo rằng kinh tế thế giới có thể trải qua vài năm tăng trưởng thấp, nhưng sẽ không rơi vào suy thoái lần hai.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế Mỹ cho rằng tại cuộc họp ngày 11 - 12/8 tới, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) nhiều khả năng sẽ quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản từ 0 - 0,25% trong một thời gian nữa, có thể đến hết năm nay và đầu năm sau, để tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Với mức lãi suất cơ bản trên, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ dao động ở mức 3,25% và là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục