Giáo sư Nguyễn Lân - nhà giáo dục mang nhân cách lớn

Giáo sư Nguyễn Lân đã để lại một di sản to lớn, không chỉ là các công trình khoa học mà hơn cả là triết lý giáo dục đậm chất nhân văn với sức sống bền bỉ.

Ngày 10/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học "Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Nguyễn Lân - cuộc đời và sự nghiệp."

Tham dự hội thảo có lãnh đạo ngành giáo dục, Hội Khuyến học Việt Nam cùng các chuyên gia giáo dục, các nhà tâm lý học, những học trò của giáo sư Nguyễn Lân...

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng nhà giáo nhân dân, giáo sư Nguyễn Lân là một trong những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng nên Khoa Tâm lý-Giáo dục, khoa đặc trưng sư phạm có bề dày truyền thống.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp khoa học và cách mạng, giáo sư Nguyễn Lân đã không ngừng học hỏi, khổ luyện, tận tâm, tận lực vì nhà trường và vì học trò.

Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn từ điển mẫu mực với nhiều tác phẩm có giá trị.

Giáo sư Nguyễn Lân đã để lại một di sản to lớn, đó không chỉ là các tác phẩm, các công trình khoa học mà hơn cả là tư tưởng giáo dục đậm chất nhân văn, triết lý giáo dục có sức sống bền bỉ theo thời gian.

Từ cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Nguyễn Lân có thể đúc kết thành những bài học quý giá, những tư tưởng có sức mạnh vượt thời gian và cả những cảm nhận về một nhân cách người thầy. Từ đó góp phần giáo dục đội ngũ những người thầy giáo, cô giáo đang đứng trên bục giảng, góp phần hun đúc bản lĩnh sư phạm của các giáo sinh đang rèn nghề trên giảng đường.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận xung quanh những tác phẩm có giá trị của giáo sư Nguyễn Lân như Từ điển chính tả phổ thông, Từ điển Pháp-Việt, Từ điển thành ngữ thuật ngữ, tục ngữ Pháp-Việt; các quyển sách về tâm lý giáo dục như thuật ngữ tâm lý giáo dục...

Ngay từ nhiều năm trước, giáo sư Nguyễn Lân đã nêu cao vai trò của người giáo viên trong sự nghiệp giáo dục và khẳng định phát triển nền giáo dục xã hội chủ nghĩa cần phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đồng thời ông cũng có những yêu cầu khắt khe đối với "người thầy."

Phó giáo sư-tiến sỹ Phan Thanh Long (Đại học Sư phạm Hà Nội) trình bày tham luận với chủ đề "Quan điểm của nhà giáo nhân dân-giáo sư Nguyễn Lân về người giáo viên xã hội chủ nghĩa," trong đó nêu rõ người giáo viên phải có nhiệt tình đối với học sinh, phải yêu quý học sinh của mình, kiên quyết hy sinh tất cả vì học sinh thân yêu.

Người giáo viên cũng cần phải không ngừng học hỏi và tu dưỡng cả về nghiệp vụ và đạo đức vì họ chính là tấm gương để học trò noi theo.

Người giáo viên cũng cần là một nhà hoạt động xã hội, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với học sinh, để từ đó cả thầy và trò hòa mình với nhân dân, sống đời sống của nhân dân, góp phần xây dựng đất nước.

Về vai trò của giáo sư Nguyễn Lân trong việc gìn giữ tiếng Việt và nền ngữ học Việt Nam, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khẳng định giáo sư Nguyễn Lân đã dành rất nhiều tâm huyết cho nền ngữ học nước nhà, trong đó có ngôn ngữ quốc gia tiếng Việt ở cả lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục thông qua nhiều công trình khoa học về ngôn ngữ như Ngữ pháp Việt Nam (1956), rèn giũa học sinh thói quen nói lời hay, tránh lời tục (1981), Thuật ngữ tâm lý và giáo dục Nga - Pháp-Việt (1986); Từ điển tiếng Việt (1986), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989).../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục