Giao tranh trầm trọng quân chính phủ và chống đối

Ngày 20/12, lực lượng chống đối bắt đầu đẩy mạnh tấn công vào một thị trấn chiến lược ở tỉnh miền Trung Hama.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đã kéo dài 21 tháng qua ở Syria vẫn không tìm được một giải pháp chính trị, giao tranh giữa quân chính phủ nước này với lực lượng chống đối tiếp diễn nghiêm trọng và cộng đồng quốc tế tiếp tục đưa ra những cảnh báo về tình hình.

Ngày 20/12, lực lượng chống đối bắt đầu đẩy mạnh tấn công vào một thị trấn chiến lược ở tỉnh miền Trung Hama, bao vây ít nhất một thị trấn khác vốn thuộc kiểm soát của người Hồi giáo Alawite, dòng tôn giáo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nắm quyền lực ở quốc gia Trung Đông này. Những động thái trên gây lo ngại sẽ làm bùng phát căng thẳng sắc tộc vốn đã nặng nề giữa người Hồi giáo Alawite và người Hồi giáo Sunni chiếm đa số tại Syria.

Theo các nguồn tin, lực lượng chống đối đã chiếm được một số khu vực ở thị trấn chiến lược Morek ở tỉnh Hama và đang bao vây thị trấn al-Tleisia của người Alawite.

Ngoài ra, lực lượng chống đối còn đang có kế hoạch giành quyền kiểm soát thị trấn Maan. Trong những địa điểm trên, Morek là vị trí rất được quan tâm bởi thị trấn này nằm trên tuyến đường cao tốc nối phía Bắc Damascus với Aleppo - mặt trận chính của cuộc xung đột hiện nay nằm ở miền Bắc Syria. Lực lượng chống đối muốn chiếm Morek để cắt các nguồn tiếp viện của quân đội cho tỉnh miền Bắc Idlib, nằm trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ nơi lực lượng chống đối đang chiếm giữ một vùng đáng kể.

Trước tình hình tại Syria, cùng ngày, các nhà điều tra nhân quyền của Liên hợp quốc cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này đang ngày càng mang tính xung đột sắc tộc rõ ràng hơn, ngày càng nhiều người dân tự vũ trang để bảo vệ bản thân trong khi các tay súng nước ngoài, chủ yếu là người Hồi giáo Sunni, đổ đến Syria từ gần 30 nước khác. Chia rẽ sắc tộc sâu sắc hơn có thể hủy hoại triển vọng hòa giải dân tộc giai đoạn hậu khủng hoảng, đồng thời tình trạng các tay súng nước ngoài xâm nhập Syria làm dấy lên nguy cơ giao tranh lan sang các nước láng giềng.

Cùng ngày, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt trừng phạt hai công ty Iran bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho Chính phủ Syria, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran.

Theo đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice, Công ty Yas Air và Công ty xuất nhập khẩu SAD của Iran "dính líu nghiêm trọng vào hoạt động buôn lậu vũ khí của Iran." Hai công ty này bị cáo buộc vận chuyển đạn dược, súng trường, súng máy, đạn pháo và các vũ khí khác từ Iran sang Syria.

Liên quan đến trừng phạt Iran, Chính phủ Canada cùng ngày thông báo đưa thêm Qods Force - chi nhánh bí mật thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran - vào danh sách các tổ chức khủng bố với lý do lực lượng này đã tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố tại Iran và nước ngoài.

Qods Force bị cáo buộc cung cấp vũ khí, tài trợ và đào tạo bán quân sự cho các nhóm cực đoan; trong đó có tổ chức Taliban ở Afghanistan, Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine.

Canada cũng tuyên bố đưa nhóm Hồi giáo Iran Mujahedin-e-Khalq (MEK) ra khỏi danh sách khủng bố vì nhóm này đã không tham gia các hoạt động khủng bố trong hơn một thập kỷ qua. Trước đó Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã đưa MEK ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Theo luật pháp Canada, cá nhân hoặc các nhóm nằm trong danh sách khủng bố sẽ bị tịch thu tài sản và những ai hỗ trợ các tổ chức khủng bố thực hiện các hành động cực đoan phải chịu án phạt hình sự./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục