Giao ước đặc biệt của giáo sư người Đức với bệnh nhân Việt Nam

Giáo sư người Đức Utz Kappert đã có một "giao ước" với bệnh nhân người Việt, người được ông cứu sống sau khi bị nứt động mạch chủ.
Giao ước đặc biệt của giáo sư người Đức với bệnh nhân Việt Nam ảnh 1Giáo sư Utz Kappert. (Ảnh: Bích Yến/Vietnam+)

Giáo sư Utz Kappert là một trong những bác sỹ tim mạch đầu ngành của Đức. Ông đã thực hiện hơn 4.500 ca phẫu thuật tim mạch, tham gia giảng dạy và là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu, sách, bài báo khoa học, đăng tải trên các tạp chí, trang mạng y khoa quốc tế. Ông thường được mời tham gia các dự án quốc tế về phẫu thuật tim mạch và thiết lập các phương thức mổ mới.

Đặc biệt, mùa Đông năm nay, giáo sư đã có một "giao ước" với bệnh nhân người Việt.

"Giao ước" đặc biệt

Mùa Đông châu Âu, trời lạnh và ảm đạm. Từng đàn chim di trú nối đuôi nhau mải miết bay đi tránh rét. Ông Nguyễn Văn Việt đang trong hành trình tìm lại ký ức 40 năm về trước tại thành phố Dresden. Những dãy nhà thẳng tắp, những con phố thênh thang, vắng lặng, vẫn nằm nguyên ở đó. Không hiểu vì xúc động hay do thân nhiệt thay đổi đột ngột mà ông Việt bị nứt động mạch chủ.

Ông được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Sau khi các bác sỹ thăm khám và điều hòa huyết áp cho ông thì một vị bác sĩ đã ghé tai nói nhỏ với ông một câu gì đó... Ngày hôm sau, ca mổ diễn ra từ 7 giờ 30 giờ sáng và kết thúc thành công vào lúc 13 giờ chiều cùng ngày. Ông Việt đã được cứu sống. Trường hợp của ông là một trong 50 ca phẫu thuật tim mạch khó và hiếm nhất của Dresden. Vài ngày sau ông Việt tỉnh dậy, câu đầu tiên mà ông nói với mọi người là: "Khoa học đã cứu tôi, các bác sỹ đã cứu tôi, ông trời đã cứu tôi."

Vị bác sĩ đã nói nhỏ với ông câu gì đó hôm trước, quay trở lại thăm ông Việt. Đó chính là giáo sư Kappert - một trong những bác sỹ tim mạch đầu ngành của Đức. Giáo sư có dáng người cao, thanh mảnh, đôi mắt sáng, nụ cười hiền. Đôi bàn tay của ông nhỏ nhắn, ấm và mềm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo: "Tôi chưa đến Việt Nam nhưng hương vị ẩm thực Việt đã hấp dẫn tôi từ lâu rồi. Chúng rất đa dạng, phong phú và có lợi cho sức khỏe." Ông kể rằng có một thời gian, vợ ông bị tai nạn, ông phải ở nhà hai tuần để chăm sóc ba cô con gái nhỏ. Chính vào dịp đó, ông đã đọc một số cuốn sách hướng dẫn nấu món ăn Việt. Ông đã thực hành và nấu cho cả nhà ăn.

Ông cũng đã từng làm việc với một đồng nghiệp người Việt. Trong phòng làm việc của ông còn lưu giữ kỷ vật của người bạn ấy. Đó là một bức tranh thêu phong cảnh làng quê Việt Nam, được treo trang trọng bên cạnh hai chiếc tủ đựng sách và các thiết bị giáo cụ tim mạch. Đối diện là tấm bảng lời thề Hippocrates và một tấm bảng giải thưởng quốc tế...

Ông đã dành hai tiếng đồng hồ để giảng giải và căn dặn chúng tôi về việc hậu phẫu cho bệnh nhân Nguyễn Văn Việt. Thậm chí, ông còn lưu ý chúng tôi rằng chính tình yêu thương sẽ giúp cho việc điều trị bệnh tim mạch nhanh chóng đạt hiệu quả. Chính tình yêu thương sẽ ngăn chặn và chế ngự các căn bệnh hiểm nghèo về tim mạch. Chính tình yêu thương sẽ nuôi dưỡng một trái tim và hệ động mạch chủ khỏe mạnh...

Lúc này, chúng tôi chợt tò mò về nội dung "câu nói nhỏ" mà giáo sư đã rỉ tai ông Việt hôm trước. Ông Việt vui vẻ kể rằng trong lúc ông cảm thấy hoang mang vô cùng thì giáo sư Kappert đã ghé tai ông, nói rằng: "Ngày mai tôi sẽ mổ cho ông. Khi nào khỏi bệnh thì ông phải nấu cho tôi một bữa ăn Việt Nam có thật nhiều ớt vào nhé..." Câu nói đó khiến ông Việt mơ hồ nghĩ là ông sẽ được cứu sống. Tất nhiên, ông Việt không hề hay biết đó là một loại "giao ước" đặc biệt của giáo sư Kappert.

Trò chuyện với giáo sư, với bệnh nhân được ông cứu sống và tìm hiểu những thành tựu của ông, chúng tôi nhận ra rằng có lẽ, chính những "giao ước" đầy tình người ấy, chính tài năng, đức hạnh nghề y của giáo sư... đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân.

Giáo sư Kappert đã có nhiều cống hiến cho ngành y học Đức. Ông hiện là Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Herzzentrum Dresden. Ông đã từng thực hiện hơn 4.500 ca phẫu thuật tim mạch. Đồng thời, ông cũng tham gia giảng dạy và là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu, sách, bài báo khoa học, đăng tải trên các tạp chí, trang mạng y khoa quốc tế. Ông thường được mời tham gia các dự án quốc tế về phẫu thuật và thiết lập các phương thức mổ mới ở Monaco, Ireland, Ai Cập...

Ngoài ra, giáo sư còn đặc biệt chú trọng đến việc phổ cập các kiến thức chuyên môn về tim mạch cho tất cả các đối tượng công chúng nhân dân. Theo ông, điều này sẽ có lợi cho tất cả các bên, trong việc phối hợp phẫu thuật, điều trị và phòng ngừa các bệnh về tim mạch.

Hiện tại, giáo sư Kappert và hai đồng nghiệp Ai Cập đang triển khai dự án Simple CTS, nhằm phổ cập kiến thức phẫu thuật tim mạch cho tất cả các đối tượng công chúng. Simple CTS là các đoạn video về phẫu thuật tim mạch (lồng ghép với âm nhạc) được phát trên kênh YouTube.

Bên cạnh đó, giáo sư Kappert và một đồng nghiệp Mỹ cùng thực hiện dự án Đào tạo mới và khái niệm giáo dục trong phẫu thuật tim nhằm phổ cập kiến thức phẫu thuật tim mạch cho những người giúp việc trong ngành y (y tá, trợ lý...) cùng với Dự án giới thiệu với công chúng về sự chuyên nghiệp và trình độ tay nghề chất lượng cao của các đội ngũ y bác sỹ Đức.

Hai dự án này nhằm hỗ trợ tất cả các đối tượng công chúng dễ dàng tiếp cận với các kiến thức chuyên môn về phẫu thuật tim mạch; gắn kết hoạt động y khoa với thực tiễn, giúp người bệnh và người nhà bệnh nhân có khả năng tự chăm sóc sức khỏe tim mạch, thậm chí giúp họ có kiến thức để tham gia giám sát công việc của các y bác sỹ...


Cơ chế thị trường và lời thề Hippocrates

Ở Đức cũng như Việt Nam, cơ chế thị trường đã và đang có những tác động to lớn đến hoạt động của ngành y. Thậm chí, nó có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến lời thề Hippocrates (lời thề của ngành y), khiến cho không chỉ các lãnh đạo bệnh viện mà ngay cả các bác sỹ như giáo sư Kappert đều ít nhiều phải đối mặt. Ngoài một số nguồn thu từ ngân sách, bệnh viện cũng phải "tự thân vận động" từ nguồn thu phí/bảo hiểm của bệnh nhân...

Trò chuyện với chúng tôi, giáo sư cũng chia sẻ một số "góc khuất" của ngành và của bản thân:

Khi được hỏi liệu có mâu thuẫn giữa nhiệm vụ marketing của bệnh viện và đạo đức nghề y, giáo sư cho rằng "khi bệnh nhân đến với chúng tôi, họ được cứu sống, được chăm sóc tốt thì chính họ là những người làm marketing cho chúng tôi. Họ tiếp tục giới thiệu những bệnh nhân khác đến với chúng tôi chứ không phải chúng tôi làm markerting để mang bệnh nhân về đây. Marketing ở đây được hiểu là lòng tin của bệnh nhân dành cho chúng tôi."

Chia sẻ cảm xúc khi cứu sống bệnh nhân hoặc khi thất bại, giáo sư cho rằng: "Tôi phân ra thành hai trường hợp. Thứ nhất, bệnh nhân đến với tôi trong tình trạng nguy kịch, giữa sự sống và cái chết. Trong khoảng khắc đó, tôi phải tìm mọi cách để cứu sống họ. Tôi phải chiến thắng chính tôi. Sau khi cứu được họ rồi, tất nhiên là tôi cảm thấy vô cùng sung sướng. Trường hợp thứ hai, bệnh nhân đến với tôi trong tình trạng bình thường. Tôi chẩn đoán bệnh và phẫu thuật cho họ. Nhưng sau đó, tôi trăn trở rằng liệu mình có thể giúp họ trở lại tình trạng sức khỏe như ban đầu hoặc tốt hơn không."

Giáo sư cho biết tỷ lệ thất bại trong 4.500 ca phẫu thuật mà ông đã thực hiện là dưới 4%. Để vượt qua cảm xúc thất bại, ông cho rằng "phải học cách chấp nhận nó, để nó trôi theo thời gian, tiếp tục nỗ lực cứu những người khác."

Hiện nay, làn sóng phân biệt đối xử với người nhập cư/người tị nạn đang gia tăng ở Đức và EU, tuy nhiên, giáo sư khẳng định: "Đối với tôi, tất cả bệnh nhân đều như nhau. Nhiệm vụ của tôi là phải cứu sống họ, phải điều trị cho họ."

"Tôi không phân biệt tôn giáo, dân tộc, màu da, người giàu hay người nghèo, người có bảo hiểm hay không có bảo hiểm, khách du lịch, người nhập cư, người tị nạn hay người bản xứ... Điều duy nhất tôi phải làm là tìm mọi biện pháp để cứu sống họ," ông khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục