Đứng bên thềm lớp học, nhìn đám học trò háo hức chờ giờ khai giảng, thầy giáo Vũ Hồng Quang (Trường Tiểu học La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) nở nụ cười hạnh phúc. Nhiều năm nay hễ đến ngày khai trường anh lại có cảm giác y như ngày đầu mới chân ướt chân ráo lên vùng cao dạy học.
Cũng như anh Quang, nhiều thầy cô giáo đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để đem con chữ đến với bà con người Mông ở xã La Pán Tẩn xa xôi…
Đi theo tiếng gọi…
Nói với phóng viên Vietnam+, anh Quang cho biết đã ở La Pán Tẩn được 14 năm. Quãng thời gian tưởng dài, nhưng với anh nó chỉ như mới hôm qua, như cái thời điểm anh mới ra trường, dù có “suất” dạy học ở thị xã Nghĩa Lộ, anh Quang (quê gốc ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) lại viết đơn xin lên vùng cao La Pán Tẩn với tâm nguyện đem cái chữ đến cho bà con vùng khó.
Cái ngày đầu mới đến, lạ nước lạ cái, Quang phải học và thích nghi dần với nếp sống, văn hóa của người Mông ở La Pán Tẩn. Anh vận dụng tiếng Mông ở dạng… vỡ lòng của mình để nói chuyện với bà con. Nói riết thành quen, giờ thì anh đã đọc thông, viết thạo như tiếng Kinh mẹ đẻ.
Đưa ánh mắt nhìn về nơi có ngôi nhà của người Mông nằm rải rác, chót vót “trên đỉnh núi lưng đèo,” anh Quang kể năm 1997, khi anh đặt chân tới Trường Tiểu học La Pán Tẩn, nơi đây chỉ là những túp nhà tranh tre nứa lá. Học trò và thầy ngồi ở những chiếc bàn ghế do dân đóng góp, thô sơ và cọc cạch. Điện không có, chiếc đài chạy pin là phương tiện duy nhất để anh “bắt sóng” với cuộc sống bên ngoài.
Vất vả là thế, đã có lúc định bỏ về Nghĩa Lộ, nhưng rồi như cách anh Quang nói là “đất lành chim đậu,” anh quyết định ở lại nơi đây, mặc cho bạn bè nói là khờ khạo.
Hơn nữa, ở đây có hơn 40 cán bộ, giáo viên thì 90% là người dưới xuôi lên dạy học, chỉ có vài thầy cô người Mông bản địa. Hoàn cảnh xa nhà, họ sống chan hòa như những người cùng gia đình.
Rồi niềm vui cũng đến, anh Quang lập gia đình với cô gái trẻ là giáo viên cùng trường-vốn cũng là giáo viên người Kinh lên bản Mông dạy học. Họ đã gặp nhau, cùng đồng cảm với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn và cùng với nhau ở lại để gieo chữ, trồng người.
“Vác chữ” đi “bắt” học trò
Theo lời anh Quang, thì ở La Pán Tẩn có nhiều giáo viên cắm bản. Ngoài việc giảng dạy, thì họ còn một công việc nặng nề khác là vận động học sinh đến trường.
Thoạt nghe tưởng dễ, nhưng sự thực, dù trường lớp đã có, song để có học trò là cả một quá trình dài bởi nhiều phụ huynh không chịu cho con em mình đến học vì “còn phải ở nhà làm rẫy, trông em.” Nhiều khi, các giáo viên phải cuốc bộ qua vài quả núi mới đến được nhà học trò để vận động phụ huynh cho con em đến trường. Có trường hợp đến nhà không gặp, họ lại phải băng rừng, đến khu nương rẫy để tìm kiếm.
Khi gặp được phụ huynh, người thầy lại phải khéo léo “dùng ba tấc lưỡi” để thuyết phục, thậm chí là nài nỉ để họ cho con em đến trường. Anh Quang không sao quên được nhiều khi đến vận động cả đêm, khi bước ra cửa đã là… 3 giờ sáng và anh buộc phải ngủ nhờ nhà học sinh, đến sáng lại lóc cóc cuốc bộ về trường cho kịp tiết học sáng.
“Nhiều lúc giáp ngày thi mà học sinh không đến trường, thầy đến tận nhà thì các em bảo vì ngày giáp hạt, đói không đi học được. Bỏ thì thương, chúng tôi vận động các em cứ đến trường, rồi thầy cho cái ăn mà đi học,” anh Quang kể lại.
Lại nữa, những lần leo núi băng rừng đến nhà học sinh phải đi đường đất. Trời nắng đã vậy, vào trời mưa đường lầy lội, các thầy lại phải dùng xích “tăng bo” vào lốp sau xe, tạo thành bánh răng vững chắc để đỡ trơn trượt.
Cũng theo thầy Quang, nếu như ở thời điểm mới lên dạy học, chỉ có khoảng 50-60% các em ở lứa tuổi đi học đến trường, thì đến nay con số này đã là 98-100%. Một con số làm ấm lòng những người làm công tác giáo dục.
Còn thầy giáo Phạm Tiến Quảng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở La Pán Tẩn, một người quê gốc ở Hải Phòng và có thâm niên 8 năm làm giáo viên vùng cao thì cho hay, thực tế tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn, song rất ít.
Thầy cho biết, bên cạnh việc các giáo viên vận động học sinh đi học thì lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm. Khi nhiều lần vận động mà phụ huynh vẫn không đồng ý, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc để giải quyết.
Tuy nhiên, thầy Quảng cũng cho rằng để làm tốt hơn nữa, xã cần xây dựng chế tài gắn phát triển giáo dục đến từng gia đình bằng việc giao chỉ tiêu học sinh đi học thường xuyên cho trưởng bản và gia đình…
Chia tay La Pán Tẩn, tôi chợt nhớ đến câu chuyện anh Quang kể. Đó là cô con gái 10 tuổi của anh chị đang ở với ông bà nội ở thị xã Nghĩa Lộ từ khi còn nhỏ, một hôm gọi điện cho bố, khoe đêm qua có nhìn thấy sao băng. Rồi bé bảo, con nghe người ta nói, nhìn thấy sao băng thì ước gì được nấy. Con chỉ ước được ngủ cùng bố mẹ…
Nét mặt thoáng buồn, anh Quang biết con cái thiếu thốn tình cảm, nhưng cũng đành chịu vì đã trót “ăn sâu, bám rễ” ở La Pán Tẩn mất rồi./.
Cũng như anh Quang, nhiều thầy cô giáo đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để đem con chữ đến với bà con người Mông ở xã La Pán Tẩn xa xôi…
Đi theo tiếng gọi…
Nói với phóng viên Vietnam+, anh Quang cho biết đã ở La Pán Tẩn được 14 năm. Quãng thời gian tưởng dài, nhưng với anh nó chỉ như mới hôm qua, như cái thời điểm anh mới ra trường, dù có “suất” dạy học ở thị xã Nghĩa Lộ, anh Quang (quê gốc ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) lại viết đơn xin lên vùng cao La Pán Tẩn với tâm nguyện đem cái chữ đến cho bà con vùng khó.
Cái ngày đầu mới đến, lạ nước lạ cái, Quang phải học và thích nghi dần với nếp sống, văn hóa của người Mông ở La Pán Tẩn. Anh vận dụng tiếng Mông ở dạng… vỡ lòng của mình để nói chuyện với bà con. Nói riết thành quen, giờ thì anh đã đọc thông, viết thạo như tiếng Kinh mẹ đẻ.
Đưa ánh mắt nhìn về nơi có ngôi nhà của người Mông nằm rải rác, chót vót “trên đỉnh núi lưng đèo,” anh Quang kể năm 1997, khi anh đặt chân tới Trường Tiểu học La Pán Tẩn, nơi đây chỉ là những túp nhà tranh tre nứa lá. Học trò và thầy ngồi ở những chiếc bàn ghế do dân đóng góp, thô sơ và cọc cạch. Điện không có, chiếc đài chạy pin là phương tiện duy nhất để anh “bắt sóng” với cuộc sống bên ngoài.
Vất vả là thế, đã có lúc định bỏ về Nghĩa Lộ, nhưng rồi như cách anh Quang nói là “đất lành chim đậu,” anh quyết định ở lại nơi đây, mặc cho bạn bè nói là khờ khạo.
Hơn nữa, ở đây có hơn 40 cán bộ, giáo viên thì 90% là người dưới xuôi lên dạy học, chỉ có vài thầy cô người Mông bản địa. Hoàn cảnh xa nhà, họ sống chan hòa như những người cùng gia đình.
Rồi niềm vui cũng đến, anh Quang lập gia đình với cô gái trẻ là giáo viên cùng trường-vốn cũng là giáo viên người Kinh lên bản Mông dạy học. Họ đã gặp nhau, cùng đồng cảm với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn và cùng với nhau ở lại để gieo chữ, trồng người.
“Vác chữ” đi “bắt” học trò
Theo lời anh Quang, thì ở La Pán Tẩn có nhiều giáo viên cắm bản. Ngoài việc giảng dạy, thì họ còn một công việc nặng nề khác là vận động học sinh đến trường.
Thoạt nghe tưởng dễ, nhưng sự thực, dù trường lớp đã có, song để có học trò là cả một quá trình dài bởi nhiều phụ huynh không chịu cho con em mình đến học vì “còn phải ở nhà làm rẫy, trông em.” Nhiều khi, các giáo viên phải cuốc bộ qua vài quả núi mới đến được nhà học trò để vận động phụ huynh cho con em đến trường. Có trường hợp đến nhà không gặp, họ lại phải băng rừng, đến khu nương rẫy để tìm kiếm.
Khi gặp được phụ huynh, người thầy lại phải khéo léo “dùng ba tấc lưỡi” để thuyết phục, thậm chí là nài nỉ để họ cho con em đến trường. Anh Quang không sao quên được nhiều khi đến vận động cả đêm, khi bước ra cửa đã là… 3 giờ sáng và anh buộc phải ngủ nhờ nhà học sinh, đến sáng lại lóc cóc cuốc bộ về trường cho kịp tiết học sáng.
“Nhiều lúc giáp ngày thi mà học sinh không đến trường, thầy đến tận nhà thì các em bảo vì ngày giáp hạt, đói không đi học được. Bỏ thì thương, chúng tôi vận động các em cứ đến trường, rồi thầy cho cái ăn mà đi học,” anh Quang kể lại.
Lại nữa, những lần leo núi băng rừng đến nhà học sinh phải đi đường đất. Trời nắng đã vậy, vào trời mưa đường lầy lội, các thầy lại phải dùng xích “tăng bo” vào lốp sau xe, tạo thành bánh răng vững chắc để đỡ trơn trượt.
Cũng theo thầy Quang, nếu như ở thời điểm mới lên dạy học, chỉ có khoảng 50-60% các em ở lứa tuổi đi học đến trường, thì đến nay con số này đã là 98-100%. Một con số làm ấm lòng những người làm công tác giáo dục.
Còn thầy giáo Phạm Tiến Quảng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở La Pán Tẩn, một người quê gốc ở Hải Phòng và có thâm niên 8 năm làm giáo viên vùng cao thì cho hay, thực tế tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn, song rất ít.
Thầy cho biết, bên cạnh việc các giáo viên vận động học sinh đi học thì lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm. Khi nhiều lần vận động mà phụ huynh vẫn không đồng ý, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc để giải quyết.
Tuy nhiên, thầy Quảng cũng cho rằng để làm tốt hơn nữa, xã cần xây dựng chế tài gắn phát triển giáo dục đến từng gia đình bằng việc giao chỉ tiêu học sinh đi học thường xuyên cho trưởng bản và gia đình…
Chia tay La Pán Tẩn, tôi chợt nhớ đến câu chuyện anh Quang kể. Đó là cô con gái 10 tuổi của anh chị đang ở với ông bà nội ở thị xã Nghĩa Lộ từ khi còn nhỏ, một hôm gọi điện cho bố, khoe đêm qua có nhìn thấy sao băng. Rồi bé bảo, con nghe người ta nói, nhìn thấy sao băng thì ước gì được nấy. Con chỉ ước được ngủ cùng bố mẹ…
Nét mặt thoáng buồn, anh Quang biết con cái thiếu thốn tình cảm, nhưng cũng đành chịu vì đã trót “ăn sâu, bám rễ” ở La Pán Tẩn mất rồi./.
Trung Hiền (Vietnam+)