Giáo viên Mexico biểu tình lớn phản đối Luật giáo dục mới

Trong hai ngày qua đã có hơn 6 nghìn giáo viên tiến hành mít tinh, tuần hành và cắm lều trại trên các đại lộ lớn tại thủ đô Mexico City, gây ách tắc giao thông triền miên
Giáo viên Mexico biểu tình lớn phản đối Luật giáo dục mới ảnh 1Hàng nghìn giáo viên Mexico biểu tình phản đối Luật giáo dục mới. (Nguồn: proveedores-joyera-artesanal.com)

Trong hai ngày qua đã có hơn 6 nghìn giáo viên, chủ yếu đến từ bang miền Nam Oaxaca, tiến hành mít tinh, tuần hành và cắm lều trại trên các đại lộ lớn tại thủ đô Mexico City, gây ách tắc giao thông triền miên. Cuộc tuần hành bắt đầu từ sáng 9/2 và dự kiến sẽ kéo dài 72 giờ.

Những người biểu tình yêu cầu chính phủ liên bang giải quyết dứt điểm vấn đề tiền lương bị cắt giảm theo Luật giáo dục cải cách mới, được đưa vào thực hiện từ cuối năm 2014.

Hàng trăm xe khách chở giáo viên đã đến tập trung tại ba địa điểm, vốn được coi là biểu tượng của thủ đô, gồm tượng đài Cách mạng, tượng Nữ thần Độc lập và tượng Ngựa vàng. Những người biểu tình mang theo cờ, biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu phản đối Luật giáo dục mới, bày tỏ ủng hộ 43 sinh viên bị mất tích cuối năm ngoái tại Iguala, bang Guerrero.

Trong khi đó, đại diện công đoàn ngành giáo dục bang đã đàm phán với đại diện Bộ Nội vụ Mexico và chính quyền bang Oaxaca nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, cho tới 18h00 ngày 10/2 (sáng 11/2 giờ Hà Nội), hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Cuộc mít tinh tuần hành của giáo viên trong hai ngày qua đã gây thiệt hại 10 triệu peso/ngày (700.000 USD) cho 26 nghìn doanh nghiệp bán lẻ dọc theo các đại lộ lớn tại Mexico City, đặc biệt là đại lộ Reforma; giao thông bị đảo lộn, sinh hoạt đi lại gặp nhiều khó khăn, trong khi hơn 1,3 triệu học sinh thuộc 13.500 trường buộc phải nghỉ học do không có giáo viên.

Theo Luật giáo dục cải cách mới, giáo viên phải qua thi tuyển và phải được sát hạch hàng năm theo kế hoạch của ngành giáo dục. Nếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn sẽ không được đứng lớp. Tuy nhiên, việc thi tuyển do 2 tổ chức công đoàn ngành đứng ra tổ chức chứ không phải do các cơ quan chức năng quản lý giáo dục thực hiện. Kẽ hở này trong cách quản lý đã dẫn đến tình trạng tham nhũng nặng nề và chất lượng giáo dục giảm sút./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục