Giáo viên sẽ được lợi từ Luật Giáo dục sửa đổi

Cục phó Cục nhà giáo cho biết nếu dự án Luật Giáo dục được thực hiện, sẽ có đến 300.000 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng phụ cấp.
Ngày 18/11, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Cục phó Cục nhà giáo Trương Đình Mậu cho biết, nếu dự án Luật Giáo dục được thực hiện, sẽ có từ 250.000 - 300.000 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng phụ cấp.

Về việc luân chuyển giáo viên, ông Mậu cho biết, hiện nay, đời sống giáo viên đang được từng bước cải thiện so với trước đây và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng luôn cố gắng thực hiện các biện pháp để nâng cao hơn nữa đời sống cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng khó.

Cục Nhà giáo đã tiến hành khảo sát tại một số tỉnh có nhiều huyện, xã khó khăn như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ và theo khảo sát sơ bộ thì số giáo viên từng được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động đi tới vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đa số đều đã được luân chuyển. Số giáo viên vùng khó hiện nay đa phần là do các địa phương tự tuyển dụng.

Do vậy, các địa phương có thể thực hiện việc luân chuyển hợp lý ngay tại địa phương một cách linh hoạt như ở Quảng Trị, thay vì luân chuyển giáo viên từ vùng khó về thẳng vùng thuận lợi thì thực hiện dịch chuyển dần, từ vùng khó khăn sang vùng ít khó khăn hơn...

Tại buổi họp báo, rất nhiều vấn đề cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như việc tuyển vượt chỉ tiêu của trường Đại học Phan Thiết, việc "lạm thu" mức học phí đại học, việc triển khai "sinh viên đánh giá giáo viên"...

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định quan điểm các trường hợp tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý nghiêm khắc như với Đại học Phan Thiết, không những không được đào tạo 500 chỉ tiêu tuyển vượt mà phải nộp phạt hành chính mức cao nhất (60 triệu đồng).

Đối với thông tin về một số trường có biểu hiện "lạm thu" học phí, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Văn Ngữ cho biết, việc chênh lệch mức học phí trong các trường có thể do khác biệt về số lượng tín chỉ và khẳng định, hệ thống kiểm tra, giám sát hiện nay rất chặt chẽ, ngoài kiểm tra giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có hệ thống kiểm toán nhà nước; vì vậy các sai phạm liên quan tới tài chính trong trường học sẽ bị phát hiện.

Phó Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Trúc cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cử các đoàn thanh tra đi kiểm tra, rà soát tại các trường khắp 3 miền Bắc, miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam với đầy đủ các trường đại học, cao đẳng, công lập, ngoài công lập... để có bức tranh toàn cảnh và kịp thời phát hiện các sai phạm nếu có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục