Giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt tốp 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu

Cô Hà Ánh Phượng Trường Trung học Phổ thông Hương Cần, tỉnh Phú Thọ là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu bình chọn.
Giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt tốp 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu ảnh 1Cô Hà Ánh Phượng tham tại đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục 2020. (Ảnh: Phạm Mai)

Ngày 11/11, tổ chức Varkey Foundation đã công bố danh sách top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Trong đó, Việt Nam lần đầu tiên có một giáo viên được xướng tên là cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường Trung học phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Trước đó, tháng 3/2020, Hà Ánh Phượng đã được Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020. Cô Phượng là giáo viên thứ ba của Việt Nam lọt tốp 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu, sau cô Trần Thị Thúy (giáo viên Trường Trung học phổ thông Đức Hợp, Hưng Yên). Từ tốp 50 giáo viên này, Varkey Foundation sẽ lựa chọn và vinh danh 10 giáo viên xuất sắc nhất.

Điều đặc biệt hơn nữa khi cô Hà Ánh Phượng lại là một giáo viên ở một trường miền núi, nơi có trên 80% học sinh là người dân tộc thiểu số.

Những lớp học không biên giới

Sinh ra từ vùng quê nghèo tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cô giáo Hà Ánh Phượng rất thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ. Vì thế, ước mơ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh cho các em học sinh ngay tại chính quê hương mình đã được Phượng ấp ủ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Để thực hiện ước mơ của mình, Phượng đã quyết định theo học tại Đại học Hà Nội. Tốt nghiệp thạc sỹ ngành sư phạm tiếng Anh với tấm bằng loại ưu, Phượng được một công ty nước ngoài mời về làm với mức lương hấp dẫn nhưng cô đã từ chối và để trở về quê hương thực hiện ước mơ của mình.

Những ngày giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Hương Cần, cô Phượng thấy rõ hạn chế và thiệt thòi của học sinh miền núi quê mình với các học sinh ở vùng khác do ít có cơ hội luyện tập tiếng Anh với người nước ngoài. Không có điều kiện thực hành, các em rất yếu về kỹ năng nghe và nói, hiểu biết về văn hóa nước ngoài càng hạn chế. Sự tự ti vì thế càng lớn hơn và các em không có hứng thú với môn học ngày.

Với mong muốn giúp học sinh học ngoại ngữ, cô Phương đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế. Cô tìm mọi cách để kết nối học sinh mình với học sinh nước ngoài, để các em có cơ hội giao tiếp, nói tiếng Anh. Với mạng internet, cô Phượng đã ứng dụng công nghệ thông tin để mở ra những lớp học không biên giới, kết nối lớp học của mình với các lớp học ở nhiều trường trên toàn cầu qua skype.

Với phương pháp giáo dục hiện đại như học qua dự án, qua thuyết trình, những tiết học xuyên biên giới không chỉ giúp học sinh của cô có cơ hội thực hành tiếng Anh mà còn giúp các em hiểu và quảng bá với bạn bè quốc tế về văn hóa Việt Nam như giới thiệu các món ăn, phong tục tập quán của người Việt. Học sinh cũng quan tâm hơn đến các vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường và cùng bạn bè quốc tế lan tỏa thông điệp xanh thông qua dự án về ống hút làm từ tre, nứa.

Người dạy học phải không ngừng học

Từ những học sinh nhút nhát, ban đầu còn cúi gằm mặt trước màn hình máy tính, những học sinh dân tộc thiểu số của cô Phượng đã dần tự tin hơn. Các em đã không chỉ mạnh dạn giao tiếp với học sinh, giáo viên nước ngoài mà còn chủ động tìm kiếm thông tin để chia sẻ, thuyết trình với bạn bè quốc tế. Từ những học sinh có hạn chế về công nghệ, các em thậm chí đã giới thiệu với cô các ứng dụng mới nhiều tính năng hơn khiến cô rất bất ngờ.

[Cô giáo Trần Thị Thúy - Người chắp cánh ước mơ cho học trò vùng quê]

“Điều quan trọng mà tôi nhận lại là khả năng ngoại ngữ, sự tự tin, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng thuyết trình, làm việc nhóm, làm việc độc lập, sự phát triển tư duy và ứng dụng công nghệ thông tin của các em được tăng lên với những khao khát cháy bỏng được trở thành công dân toàn cầu,” cô Phượng chia sẻ.

Cũng theo cô Phương, qua thực tế thực hiện, mô hình lớp học xuyên biên giới còn một số vấn đề như năng lực của học sinh hạn chế nên phải áp dụng linh hoạt để phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh khác nhau; điều kiện về cơ sở vật chất như phòng máy và hệ thống đường truyền internet..

Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, các lớp học của cô trò Trường Trung học phổ thông Hương Cần vẫn được thực hiện đều đặn.

Từ những kết quả đạt được, cô Phượng đã không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các đồng nghiệp ở Việt Nam và cả giáo viên quốc tế. Đó là những buổi chia sẻ về phát triển chuyên môn với các đồng nghiệp trong và ngoài nước qua màn hình máy tính.

“Điều tôi ngưỡng mộ họ là sự say mê học tập bất chấp tuổi tác, không gian. Năm năm qua tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi hiểu rằng việc chia sẻ kiến thức chuyên môn, những bài giảng về ứng dụng công nghệ thông tin với những người đồng nghiệp là việc làm thiết thực để xây dựng xã hội học tập tốt hơn, có thể giúp đỡ học sinh tốt hơn và nhiều hơn.Những giải thưởng quốc tế giúp tôi hiểu rằng người đi dạy học phải là người không bao giờ ngừng học,” cô Phượng xúc động nói.

Với những thành tích nổi bật, cô Hà Ánh Phượng đã vinh dự là một trong 24 gương mặt điển hình được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục năm 2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục