Giây phút không quên

Những giây phút không bao giờ quên về Đại tướng

Hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà văn nhà báo Nguyễn Thế Tường là những giây phút bình dị không bao giờ quên về Đại tướng.

Chúng tôi gặp và hỏi ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Như chạm đúng mạch nguồn cảm xúc và nỗi lòng thầm kính, ông đã bật khóc.

“Tôi nghĩ, cuộc đời mình thật may mắn vì có Đại tướng. Người ra đi, tôi như mất đi người cha, người ông, mất đi một điểm tựa tinh thần trên cuộc đời vốn nhiều chông chênh này” - nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Tường đã bắt đầu câu chuyện về Đại tướng như vậy.

Sinh năm 1952, ông Tường quê ở làng Lộc An, xã An Thủy (Lệ Thủy-Quảng Bình) được nhiều người biết đến thông qua nhiều tác phẩm viết về người lính và chiến tranh cách mạng.

Trong đó, có nhiều tác phẩm được giải thưởng lớn trong các cuộc thi như "Hồi ức một binh nhì", "Chiều hải cảng", "Người đàn bà không hoá đá", "Gót lữ đoàn"

Ở Quảng Bình, có lẽ ông là nhà văn, nhà báo đặc biệt được nhiều lần gần Đại tướng và có nhiều bài viết sâu sắc, cảm động, chạm đến nỗi lòng nhất về Người…

Liều mình vượt sông để được nhìn Đại tướng

Ông kể năm lên 7 tuổi, tôi đã liều mình vượt sông chỉ để được nhìn Đại tướng. Nhà của ông Tường cách nhà Đại tướng chỉ đúng hơn 100m của sông Kiến Giang.

Năm 1959, năm năm sau ngày Ký hiệp định Geneva, khắp nơi vang dậy bài ca hoà bình và âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu,” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm quê. Hôm ấy, đang tắm dưới sông Kiến Giang cùng các bạn, cậu bé Tường (lúc ấy lên 7 tuổi) nghe tiếng xe ôtô, tiếng hô vang "Đại tướng, Đại tướng về thăm quê".

Nhìn qua bờ sông, phía hữu ngạn, cậu bé Tường thấy trên đường cái quan từ trung tâm huyện Lệ Thuỷ đang đổ về phía làng An Xá, xã Lộc Thuỷ (quê hương của Đại tướng) cả một dòng người. Không một giây suy nghĩ, câu bé đã liều mình, nhoài người bơi vượt sông để được hòa vào dòng người ấy, biết đâu được nhìn thấy Đại tướng.

Ông Tường tâm sự như bất kỳ đứa trẻ nào ở huyện Lệ Thuỷ, 7 tuổi ông đã biết bơi đủ chiều rộng của con sông Kiến Giang nhưng chưa đủ can đảm vượt qua mà chỉ ra giữa dòng là bơi trở lại ngay làng mình. Và hôm ấy, vì lòng ngưỡng mộ, vì tính hiếu kỳ, ông đã liều mình bơi vượt sông và cũng đã kịp nhìn thấy Đại tướng khoảng 10 giây.

Đại tướng đứng thẳng lưng trên xe mui trần, mặc binh phục, mũ kepi, cánh tay gấp, ngón bàn tay duỗi thẳng đưa ngang vành mũ chào quê hương, chào đồng bào...

“Hình ảnh ấy gây ấn tượng mạnh trong tâm hồn trẻ thơ của tôi, đến nỗi mười năm sau tôi nhập ngũ, mỗi lần chào theo quân lệnh tôi đều cố gắng cho thật giống Đại tướng với cánh tay gập đúng góc độ, duỗi thẳng các ngón tay trên vành mũ, dồn tâm tưởng vào lá quân kỳ” - nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Tường tâm sự.

“Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh thì tôi về”

Trong cuộc đời của mình, sau khi bước chân vào quân ngũ, rồi trở thành nhà văn, nhà báo, Nguyễn Thế Tường có nhiều cơ hội được gần Đại tướng nhưng có lẽ lắng động trong tận sâu thẳm tâm hồn ông là 21 ngày đặc biệt năm 1992, trong vai trò một người làm truyền hình cho Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, ông đã theo sát Đại tướng trong lần về thăm quê.

Ông Tường kể 16 giờ 30 phút một ngày cuối tháng tư trên đỉnh Đèo Ngang, nắng vàng như rải mật, Đại tướng cùng phu nhân Đặng Bích Hà, con gái Võ Hồng Anh cùng các sỹ quan tùy tùng như đại tá Tâm, đại tá Huyên…bước xuống đèo Ngang.

Ba phút sau cả đoàn đón tiếp và đoàn của Đại tướng đã hòa cùng nhau lặng nhìn về dải đất Quảng Bình, phía Nam đèo Ngang mềm mại thân thương nhưng dường như chưa được đánh thức.

Nhìn Đại tướng lặng lẽ ngắm ánh chiều hắt xuống con đường, ông Tường chợt nghĩ Đại tướng từ ngày rời quê nhà Lệ Thủy vào Huế học trường Quốc học, ra Thăng Long mở trường tư thục, làm thầy, làm Tướng có bao nhiêu lần ông vượt Hoành Sơn. Và đây là lần về thăm quê dài ngày nhất ở tuổi thượng thọ mà như dân gian nói là chuyến dối già nên gương mặt của Đại tướng không giấu nổi vẻ xúc động.

Những giây phút không bao giờ quên về Đại tướng ảnh 1

(Đại tướng thăm bà Phạm Thị Nghèng, xã Quang Phú, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình- Anh hùng Lao động thời đổi mới. Ảnh: Võ Thành/Vietnam+)

Trong chuyến về thăm ấy, Đại tướng đã đến thăm 5 huyện ở tỉnh Quảng Bình. Đến đâu ông cũng được quân dân nhiệt liệt đón chào và ngưỡng mộ.

Có ngày ông du ngoạn trên sông Nhật Lệ, ghé thăm bậc danh sỹ Nguyễn Tú ở Bảo Ninh, đi lại rất lâu trên các doi cát nơi cửa sông Nhật Lệ, ghé thăm động Phong Nha, tiếp đoàn thám hiểm Hang động Hoàng Gia Anh đang khảo sát động, làm việc với cán bộ chủ chốt ở địa phương.

Về thăm khu vườn, căn nhà xưa mới được phục dựng, Đại tướng tha thẩn dưới cành khế, gốc mít, ngồi trầm ngâm bên dòng sông Kiến Giang hiền hòa như để ôn lại thời thơ ấu xa lắc của mình-ông Tường kể.

Và rồi 21 ngày thăm quê hương chẳng mấy chốc cũng trôi nhanh khi mà tấm lòng người dân quê còn muốn Đại tướng ở lại lâu hơn nữa. Buổi chia tay, trời đất như giao hòa phảng phất mưa rào nhẹ và se lạnh làm cho lòng người đưa tiễn càng thêm lưu luyến.

Trên đỉnh Đèo Ngang, mũi xe hướng ra Bắc. Đại tá Tâm mở dù che Đại tướng. Mọi người nhường chỗ cho ông Tường cùng anh em kíp truyền hình làm việc.

- Thưa Đại tướng, nơi đây là thước đất cuối cùng của quê hương Quảng Bình, xin Đại tướng đôi lời với cán bộ nhân dân - ông Tường đặt câu phỏng vấn.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời, căn dặn nhiều điều từ học tập, sản xuất, cho đến đoàn kết thương yêu trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Đại tướng bảo nhân dân Quảng Bình cố gắng học tập tấm gương Bác Hồ để tu dưỡng đạo đức, nhân cách. Đại tướng thân ái gửi lời chào bà con…

Ông Tường kể, đến câu thứ hai thì như một cái máy ông bất chợt hỏi Đại tướng rằng: Thưa Đại tướng, xin Đại tướng một lời hẹn họ ngày tái ngộ? Đại tướng trả lời ngay:

- Tôi có phải trai gái yêu nhau gì đâu mà hẹn hò. Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh thì tôi về nhà.

Không gian trên đỉnh Hoành Sơn như bất chợt ngưng lại, đám đông đưa tiễn yên lặng như tờ để lắng nghe từng lời gọn, ngắn, bình dị mà sâu sắc, đầy chất giọng Lệ Thủy của ông.

Biết được cảm xúc, dòng hồi ức của ông Tường chắc hẳn còn dài, ngắt dòng hồi ức ấy, chúng tôi hỏi: "Sau 21 năm kể từ buổi chia tay đầy cảm xúc ấy, bây giờ Đại tướng sắp về thật, ông thấy thế nào?"

Trầm ngâm một lúc, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Tường nói gần như thì thầm với con dân Quảng Bình, Đại tướng về thăm và bây giờ về hẳn đều là một nỗi mừng khó nói thành lời.

"Tôi từng mơ, có một tượng đài Lý Thường Kiệt hiên ngang, sừng sững đứng trên đỉnh Hoành Sơn nhìn về phía Nam, sau gần một thiên niên kỷ là người mang gươm đi mở cõi. Nam Hoành Sơn, từ mấy trăm năm nay đã có đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh thì nay có thêm một thánh nhân về quê yên nghỉ thì có hạnh phúc nào hơn nữa?"./.

Thọ Thành (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục