Gìn giữ nét văn hóa truyền thống trống đồng Lô Lô

Trống đồng Lô Lô - hiện vật tuyệt vời còn tồn tại mà âm thanh rền vang của nó là tiếng nói hùng hồn của truyền thống văn hóa rực rỡ.
Là một trong 22 dân tộc hiện đang sinh sống, gìn giữ mảnh đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, dân tộc Lô Lô ở Hà Giang có gần 4.000 người sinh sống tập trung ở các xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sủng Trà (huyện Đồng Văn) và các xã Thượng Phùng, Xín Cái (huyện Mèo Vạc).

Là một dân tộc có dân số thuộc loại ít ở nước ta nhưng dân tộc Lô Lô có chiều dày lịch sử và truyền thống văn hóa khá rực rỡ. Văn hóa Lô Lô có những dấu son đậm nét, tiêu biểu là trống đồng Lô Lô - một loại hiện vật tuyệt vời, hiện hữu còn tồn tại mà âm thanh rền vang của nó là tiếng nói hùng hồn của truyền thống văn hóa rực rỡ từ ngàn xưa để lại.

Trước đây, mỗi dòng họ Lô Lô thường có một bộ trống đồng do người trưởng họ giữ và bảo quản bằng cách chôn xuống đất, vì họ sợ để trên mặt đất dễ bị mất cắp; trống đồng là vật quý nhất của dòng họ và không phải dòng họ Lô Lô nào cũng có.

Người Lô Lô thường quan niệm rằng: Từ thuở có trời, có đất là có trồng đồng. Trống đồng Lô Lô thường được thiết kế cao 37cm, đường kính mặt rộng 61cm, đường kính chân trống 56cm. Trống được cấu tạo tang mở, thân eo, chân choãi; có 4 quai bố trí thành 2 cặp đối xứng nhau qua trục thân. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao 12 cánh. Trống được trang trí bằng nhiều loại hoa văn tiêu biểu như: đường thẳng song song hướng tâm, vòng tròn chấm, hình người hóa trang cách điệu.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu nhìn kỹ nét hoa văn trên mặt trống đồng của người Lô Lô sẽ có nhiều điểm tương đồng với hoa văn trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc này. Một điểm khác biệt giữa trống đồng Lô Lô với trống đồng của các dân tộc khác chính là những lỗ tròn thủng trên mặt trống.

Những cụ già người Lô Lô cho rằng, trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người và được thần linh hóa cả hình dáng lẫn tiếng nói. Xuất phát từ quan niệm bố Trời - mẹ Đất, người Lô Lô cho rằng mặt trời là trung tâm vũ trụ; chính vì vậy, hình tròn giữa mặt trống chính là mặt trời, còn những tia trống là những con mắt của trời, các vành hoa văn xung quanh trống là các hành tinh vây quanh mặt trời.

Ngày xưa, mỗi dòng họ Lô Lô thường có một bộ trống đồng dùng vào việc tang tế và gõ trống nhảy múa nhân dịp tết tháng Bảy. Mỗi bộ trống đồng Lô Lô gồm có hai chiếc: trống đực và trống cái; chiếc trống cái bao giờ cũng to hơn chiếc trống đực. Trong lễ tế trời, người Lô Lô dùng trống mồ dảnh (trống trời), lễ cúng thổ thần dùng trống po dảnh (trống ếch) và trong tang ma dùng trống múi dảnh, thắng dảnh.

Khi sử dụng trống đồng Lô Lô, người ta phải mời Thầu Chư là người trưởng dòng tộc ra cúng làm lễ xin phép tổ tiên. Đồng bào thường dùng trống cặp đôi: hai cái một lần. Khi đánh trống, người ta treo trống đực và trống cái quay mặt vào nhau. Người Lô Lô dùng củ rừng gần giống với củ chuối làm dùi đánh trống để trống khỏi bị hỏng. Tiếng trống giữ nhịp cho các điệu múa dân gian rộng rãi không phân biệt giới tính, lứa tuổi, số người.

Người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống. Âm hưởng trầm vang của trống đồng đã đi vào tình cảm, vào phong tục tập quán và in cả dấu ấn trong dân ca của họ. Một điều đặc biệt là không phải người Lô Lô nào cũng được đánh trống, người đánh trống phải được dòng tộc lựa chọn, đó là những người thanh niên trai tráng khỏe mạnh chưa có vợ hoặc nếu có vợ thì người vợ phải không trong thời kỳ mang thai. Sau khi trống dùng xong, bà con dân tộc Lô Lô lại bí mật đem chôn trống giấu ở một nơi kín đáo, sạch sẽ, mặt trống để xuống dưới, chân trống lên trên rồi lấp đất lên.

Trống đồng luôn được bà con dân tộc Lô Lô xem như một báu vật thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng sức sống của dân tộc. Những năm 1990 trở về trước, trong các nhóm Lô Lô đen ở xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn), Lô Lô hoa ở các xã Thượng Phùng, Xín Cái (huyện Mèo Vạc) thường có một đôi trống đồng. Thế nhưng người Lô Lô đang phải từng ngày, từng giờ đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức, cám dỗ nên hiện trống đồng trong các làng bản của người Lô Lô còn rất ít. Nguyên nhân thì có rất nhiều, song chủ yếu là bị bán đi vì đa phần những chiếc trồng đồng đều là những cổ vật rất có giá trị, chiếc trống có tuổi thọ ít nhất là 400 năm, có những chiếc có tuổi thọ hàng nghìn năm tuổi.

Theo anh Vàng Dỉ Gai, Trưởng bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn): Trước đây ở Lô Lô Chải có nhiều trống đồng song bị thất lạc hết, đến nay cả bản chỉ còn hai chiếc trống đồng cổ có niên đại hàng nghìn năm tuổi. Đó là là một cặp trống đực và trống cái do hai gia đình anh Vàng Dỉ Chánh, 47 tuổi và anh Vàng Dỉ Khuôn, 48 tuổi cất giữ. Hai chiếc trống này được bà con gìn giữ rất cẩn thận, chúng chỉ được lấy ra dùng trong các dịp lễ tết hoặc tang ma. Mặc dù đã bị mòn vẹt hết chân trống, song hoa văn của hai chiếc trống đồng vẫn còn rõ và rất đẹp.

Theo ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang: Để bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của trống đồng Lô Lô, tỉnh Hà Giang đã sưu tầm, phát hiện hàng chục chiếc trống đồng hiện đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang phối hợp với Ủy ban Nhân dân bốn huyện trên Cao nguyên đá Đồng Văn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Lô Lô bảo vệ, gìn giữ những chiếc đồng trồng. Bên cạnh đó, khôi phục và phát triển những nghi lễ, phong tục truyền thống của đồng bào Lô Lô có sử dụng trống đồng, góp phần bảo vệ những chiếc trồng đồng, những báu vật có niên đại hàng ngàn năm tuổi cùng những vũ điệu nguyên sơ huyền thoại của dân tộc Lô Lô trên Cao nguyên đá Đồng Văn./.

Minh Tâm (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục