Gìn giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài

51 học viên là giáo viên kiều bào từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vừa kết thúc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016 tại Hà Nội.
Gìn giữ tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài ảnh 1(Ảnh minh họa. Minh Quyết/TTXVN)

Chiều 19/8, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ bế mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016 và trao Chứng chỉ cho 51 học viên tham dự khóa tập huấn.

Ông Đặng Trần Phong, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết với sự tham dự của 51 học viên là giáo viên kiều bào từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khóa tập huấn năm nay có số lượng học viên đông đảo nhất trong 4 lần tổ chức từ năm 2013 đến nay.

Điều này chứng tỏ sự quan tâm ngày càng cao của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc giảng dạy tiếng Việt cho con em mình nói riêng, trong việc thúc đẩy phong trào sử dụng tiếng Việt ở cộng đồng nói chung.

Qua đó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường mối liên hệ của cộng đồng đối với đất nước.

Ông Đặng Trần Phong tin tưởng, sau khi tham dự Khóa tập huấn, các học viên trở về nước sở tại sẽ tiếp tục tham gia tích cực và làm lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại, góp phần tích cực vào việc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Chia sẻ những cảm xúc sau khóa tập huấn, các học viên đều khẳng định họ đã được tiếp nhận những kiến thức bổ ích về ngôn ngữ Việt và phương pháp giảng dạy tiếng Việt.

Chị Phạm Mỹ Dung, giáo viên dạy tiếng Việt tại Đài Loan cho biết đây là cơ hội quý báu để những người con xa Tổ quốc được về quê hương trau dồi tiếng Việt, từ đó nhân rộng kiến thức và tình yêu với tiếng mẹ đẻ cho con em mình ở đất nước nơi họ đang sinh sống.

Trong 12 ngày tập huấn, các học viên đã có 15 buổi học chuyên môn trên lớp với các nội dung chính như phương pháp dạy tiếng và giảng dạy tiếng Việt; ngữ âm tiếng Việt; từ vựng tiếng Việt; ngữ pháp tiếng Việt...

Trong khuôn khổ Khóa tập huấn, các học viên còn tham dự Tọa đàm trao đổi về thực trạng dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; các buổi dự giờ thực tế tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; dự giờ tại trường tiểu học Vinschool.

Các học viên cũng được đi tham quan, tìm hiểu về văn hóa lịch sử của đất nước tại Hà Nội, Ninh Bình và Quảng Ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục