Giữ nghề cổ đất Thăng Long

Gìn giữ tinh hoa nghề đậu bạc Định Công

Xưa kia, làng Định Công vốn nổi tiếng với nghề kim hoàn đặc biệt là nghề đậu bạc, một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long.
Xưa kia, làng Định Công (Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề kim hoàn đặc biệt là nghề đậu bạc. Đây là một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại đến ngày nay.

Trôi theo dòng chảy thời gian, nghề đậu bạc ở Định Công gần như mai một, nhưng giữa vòng tranh tối tranh sáng đó vẫn còn những người yêu nghề, gắn bó và gìn giữ gia sản của cha ông. Nghệ nhân Quách Văn Hiểu là một trong số ít người của làng vẫn còn hoài cổ với nghề đậu bạc này.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu cho biết, nghề đậu bạc có từ thế kỷ thứ VII, thời Tiền Lý do ba ông Tổ nghề Trần Điền – Trần Điện – Trần Hòa truyền lại cho dân làng. Hiện nay, đền thờ Tổ nghề vẫn ở làng Định Công và đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1994.

Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50-60% gia đình theo nghề kim hoàn. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, số gia đình theo nghề đậu bạc ở Định Công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tiền công làm ra chẳng đáng kể so với các ngành nghề khác nên nhiều gia đình gác nghề đậu bạc lại để chuyển đổi sang công việc dễ thở hơn.

Duy chỉ có gia đình nghệ nhân Quách Văn Hiểu và một vài nhà nhác cố níu kéo nghề cổ này cho dù cuộc sống của những người làm nghề rất đạm bạc.

Nghề đậu bạc biểu trưng cho sự tinh xảo của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, hoàn toàn làm thủ công và không thể thay thế bằng máy móc. Ông Quách Văn Hiểu thừa nhận: “Ngoài đôi bàn tay khéo léo, người thợ đậu bạc phải có con mắt thẩm mỹ cao và sự kiên nhẫn vô bờ mới có thể làm được một tác phẩm hoàn hảo”.

Trước tiên, người thợ kim hoàn phải nấu bạc thành thoi sau đó cán kéo và rút thành từng sợi nhỏ như sợi chỉ hoặc tóc. Tiếp đến họ xe hai hoặc ba sợi giống như sợi dây thừng rồi dùng sợi này uốn thành những họa tiết nhỏ như cành hoa, con bướm, hoa bèo, hoa phù dung… Kỹ thuật đậu cũng làm ra những hạt bạc nhỏ li ti rồi dùng vẩy hàn gắn kết lại với nhau thành các vật phẩm.

Để có được một sản phẩm bạc đậu, những người thợ phải mất tới hàng chục ngày công với những thao tác công phu, tỉ mỉ. Người thợ đậu có tay nghề cao là khi tất cả các hoa văn đính trên sản phẩm phải đều nhau, không được lộ ra những mối hàn.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Định Công, dường như nghề đậu bạc đã ngấm sâu vào con người nghệ nhân Quách Văn Hiểu từ thuở nhỏ. Là đời thứ 5 trong gia đình theo nghề đậu bạc, biết phụ nghề từ khi còn 10 tuổi, đến năm 16-17 tuổi, ông đã trở thành thợ cả trong gia đình. Mặc dù qua nhiều năm nghề đậu bạc bị thăng trầm nhưng chưa khi nào ông có ý nghĩ bỏ nghề.

Từ tình yêu với nghề cha ông để lại, nghệ nhân Quách Văn Hiểu luôn dày công học hỏi kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm đậu bạc để đến nay, dù kỹ thuật phức tạp đến đâu ông cũng không bó tay.

Nhìn các sản phẩm đậu bạc nghệ nhân tạo ra mới cảm nhận được sự khéo léo, tinh tế của ông qua từng nét uốn mềm mại, tinh xảo. Nhiều tác phẩm ông làm đạt đến nghệ thuật hoàn hảo như hộp quạt Xuân Hương, tú cầu hoa, ví trang sức...

Đặc biệt, hộp quạt Xuân Hương là một trong 6 tác phẩm đoạt giải thưởng ASEAN giành cho tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ các nước trong khối ASEAN tổ chức năm 2008 và là tác phẩm duy nhất của Việt Nam đoạt giải.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu phấn khởi nói rằng: “Tôi may mắn là có con trai trưởng nối nghiệp theo nghề đậu bạc. Hiện tại, con tôi cũng mở một cơ sở chế tác thu hút được một số thanh niên trong làng vào làm nghề”.

Niềm vui này xuất phát từ tình trạng nghề đậu bạc ở làng Định Công (nay thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai) đang có nguy cơ mai một./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục