Giờ trái đất - thông điệp của hy vọng và hành động

Chỉ còn 8 ngày nữa là đến thời khắc của “Giờ trái đất” – Thời khắc mà cả tỷ người trên trái đất sẽ tắt điện trong vòng một giờ, để bảo vệ môi trường cũng như ủng hộ những nỗ lực chống lại tình trạng nóng lên của Trái Đất.

Chỉ còn 8 ngày nữa là đến thời khắc của “Giờ trái đất” – Thời khắc mà cả tỷ người trên trái đất sẽ tắt điện trong vòng một giờ, để bảo vệ môi trường cũng như ủng hộ những nỗ lực chống lại tình trạng nóng lên của Trái Đất.

Hãy tắt đèn điện và các thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ, từ 20h30 - 21h30 ngày 28/3 - đó là lời kêu gọi mà Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) gửi đi toàn cầu. Chỉ với một giờ đồng hồ đó, mọi người khắp nơi trên thế giới sẽ tắt đèn và cùng nhau tham gia vào việc thiết lập một sự bảo tồn mang tính sống còn cho tương lai của hành tinh quý giá của chúng ta.
 
Ai cũng có thể hưởng ứng chiến dịch tắt đèn này bằng cách “tắt các hệ thống đèn, thiết bị chiếu sáng không cần thiết”. Đây là hành động đơn giản, nhưng góp phần rất lớn trong việc hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại Việt Nam, Hà Nội, Huế, Hội An đã chính thức tuyên bố tham gia.

Tại Hà Nội, vào 20h ngày 28/3 tại khu vực Nhà hát Lớn, với sự tham gia của hàng nghìn người, lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ đọc tuyên bố bắt đầu sự kiện. Điện sẽ được tắt tại khu vực Nhà hát Lớn, đền Ngọc Sơn - tháp Rùa - cầu Thê Húc, tượng đài Vua Lý Thái Tổ, xung quanh hồ Trúc Bạch, sân vận động Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị quốc gia, trụ sở UBND thành phố, khách sạn Hilton Hanoi Opera, Sofitel Metropole Hanoi, chung cư 34-T khu Trung Hoà - Nhân Chính...

Cùng thời khắc đó, chương trình Giờ trái đất tại Huế ngoài việc phát tờ rơi quảng bá chiến dịch, các nhà tổ chức sẽ treo áp phích cổ động Giờ trái đất tại một số điểm quan trọng và tổ chức các đợt đạp xe tuyên truyền chương trình vì môi trường này.
 
Điểm nhấn là cuộc thi mang tên “Thời trang trong xu thế biến đổi khí hậu” của các sinh viên Huế. Nguyên vật liệu sử dụng thiết kế sản phẩm dự thi là những chất liệu thân thiện với môi trường hoặc đã qua sử dụng. Kết quả sẽ được công bố một ngày trước khi diễn ra chiến dịch và những trang phục được chọn sẽ được biểu diễn trong đêm Giờ trái đất tại sân Nghinh Lương Đình.

Tại Hội An, trong “giờ tắt điện”, tất cả các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, nhà dân... của thành phố sẽ được thắp sáng bằng đèn lồng, đèn dầu, đèn gương thắp sáp trong ly mắt trâu...
 
Tắt tất cả đèn, biển, bảng hiệu quảng cáo chiếu sáng bằng điện dọc bờ sông Hoài và trên mặt sông sẽ được thay thế bằng ánh sáng lung linh của đèn lồng và hoa đăng. Cùng đó là các điệu hò khoan đối đáp, âm thanh đàn nhị, đàn tranh, tiếng sáo thổi vi vu... do các nhạc sĩ, nghệ nhân Hội An gửi tặng người dân phố cổ và du khách.

Hưởng ứng chiến dịch này, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã ký ban hành chỉ thị số 04/CT-BCT, yêu cầu lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, cơ quan và doanh nghiệp thuộc bộ tham gia tắt đèn “tự nguyện” 01 giờ, từ 20h30 phút đến 21h30 phút ngày 28/3.

Đồng thời yêu cầu Sở Công thương các tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng điện chiếu sáng trong công sở, công cộng và quảng cáo... nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, góp phần tích cực vào việc giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính và biển đổi khí.
 
Bà Ruth Mathews – giám đốc dự án của WWF chương trình Việt Nam bày tỏ: Tôi đánh giá cao trước tinh thần trách nhiệm với môi trường toàn cầu của Việt Nam. Hy vọng đây không phải là hoạt động chỉ diễn ra trong một năm, mà từ bây giờ trở đi, Hà Nội nói riêng và VN nói chung sẽ tham gia liên tục hoạt động này.
 

Xuân Quảng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục