Giới chức an ninh Mỹ điều trần ở Hạ viện về vụ nghe lén

Tại cuộc điều trần, giới chức cơ quan an ninh và tình báo Mỹ tiếp tục biện minh cho chương trình do thám gây tranh cãi của mình.

Bất chấp làn sóng phản đối trong và ngoài nước, ngày 29/10 giới chức các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ tiếp tục biện minh cho chương trình do thám gây tranh cãi của mình.

Phát biểu trong cuộc điều trần cùng các quan chức an ninh chóp bu khác trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Keith Alexander nói rằng việc chặn thu và nghe lén điện thoại của các công dân Mỹ và hàng chục nhà lãnh đạo trên khắp thế giới là "nằm trong khuôn khổ luật pháp nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố."

Theo lập luận của người đứng đầu NSA "điều quan trọng là phải hành động để bảo vệ nước Mỹ chứ không phải từ bỏ một chương trình dẫn tới nước Mỹ bị tấn công."

Tướng Alexander đồng thời phủ nhận cáo buộc NSA chặn thu hàng triệu cuộc nói chuyện điện thoại ở châu Âu, khẳng định đó là thông tin "phóng đại và không chính xác." Theo ông Alexander, các tờ báo châu Âu đã hiểu sai các tài liệu của NSA bị cựu điệp viên CIA Edward Snowden tiết lộ và phần lớn những dữ liệu này là do các cơ quan tình báo châu Âu thu thập rồi chia sẻ với NSA.

Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper không xác nhận những cáo buộc về nghe lén điện thoại mà chỉ nói rằng tìm hiểu ý định của giới lãnh đạo nước ngoài là "nguyên tắc cơ bản" của các cơ quan tình báo Mỹ. Ông cho biết các đồng minh cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động do thám lãnh đạo và cơ quan tình báo Mỹ.

Quan chức tình báo hàng đầu này còn nói rằng tình báo Mỹ chỉ do thám những đối tượng có giá trị về thông tin tình báo, "tuyệt đối không có chuyện do thám bừa bãi, không có sự phân biệt."

Trước đó, phát biểu mở màn phiên chất vấn, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Roger cũng cho rằng việc thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài là điều cần thiết để bảo vệ công dân Mỹ và các đồng minh trước chủ nghĩa khủng bố và không chỉ có duy nhất Mỹ, mà mọi quốc gia trên thế giới, đều thực hiện việc này.

Cuộc điều trần được tổ chức giữa lúc có nhiều nghị sỹ lên tiếng đòi rà soát các chương trình do thám điện tử bí mật của Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner khẳng định với báo giới rằng Nhà Trắng cần phải ngay lập tức xem xét lại chương trình do thám các nhà lãnh đạo của các nước đồng minh.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Patrick Leahy và Hạ nghị sỹ của đảng Cộng hòa James Sensenbrenner, hai tác giả chính của Đạo luật Yêu nước (USA Patriot Act) sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, cũng đã lên tiếng kêu gọi có các biện pháp để các hoạt động thu thập tin tình báo của Mỹ không đi quá xa.

Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, vốn luôn đứng ra bảo vệ NSA, giờ cũng xác định việc thu thập tin tức về các đồng minh "sẽ không nên tiếp tục.”

Trong khi đó, ngày 29/10, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Viviane Reding cho rằng Mỹ cần siết chặt luật bảo vệ bí mật cá nhân nhằm xây dựng lại lòng tin với các đồng minh.

Phát biểu tại Washington, bà Reding nhấn mạnh "bạn bè và đối tác không do thám nhau." Quan chức này tuyên bố việc khôi phục lòng tin là điều cần thiết nếu như Mỹ muốn kết thúc thành công vòng đàm phán về Hiệp định đối Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Trước làn sóng chỉ trích ngày càng mạnh mẽ này, giới chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama đã chỉ thị cho các cơ quan an ninh quốc gia xem xét lại các chương trình do thám, nhưng cho tới nay vẫn chưa có quyết định nào về thay đổi hoặc điều chỉnh. Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nhận xét Tổng thống Obama có thể sẽ ban hành lệnh cấm các cơ quan tình báo nước này do thám lãnh đạo các nước đồng minh.

Theo quan chức trên, Nhà Trắng đang xem xét lệnh cấm thu thập tin tình báo nhằm vào lãnh đạo các nước đồng minh. Dự kiến, kế hoạch thay đổi chính sách do thám sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục