Giới chức Israel cảnh báo về mức độ an toàn các kho hóa chất ở Haifa

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh đã cảnh báo Haifa vẫn là một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất tại Israel nếu bị tấn công vì ở thành phố này tập trung quá nhiều cơ sở hóa chất.
Các tòa nhà bị phá hủy sau vụ nổ tại Beirut, Liban ngày 5/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các tòa nhà bị phá hủy sau vụ nổ tại Beirut, Liban ngày 5/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, sau khi xảy ra 2 vụ nổ tại cảng biển ở thủ đô Beirut của Liban ngày 4/8 vừa qua khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và 5.000 người khác bị thương, ngày 5/8, giới chức Israel đã đưa ra cảnh bảo nhằm tránh nguy cơ xảy ra một thảm họa tương tự đối với các kho chứa hóa chất hiện nay tại thành phố cảng Haifa, phía Bắc nước này.

Trao đổi với truyền thông Israel, ông Gila Gamliel, một thành viên của đảng Likud cho rằng cần phải di chuyển các kho chứa hóa chất tại khu vực cảng Haifa trong vòng 5 năm tới và những năm tiếp theo.

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh đã cảnh báo Haifa vẫn là một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất tại Israel nếu bị tấn công vì ở thành phố này tập trung quá nhiều cơ sở hóa chất.

[Vụ nổ tại Beirut: Hơn 5.000 người bị thương, 250.000 người mất nhà cửa]

Tờ Jerusalem Post của Israel dẫn nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu môi trường Haifa cho biết hiện có khoảng 1.500 khu vực tiềm ẩn nguy cơ ở nước này và 800 loại hóa chất nguy hiểm đang được cất giữ tại các nhà máy ở khu vực vịnh Haifa, nằm gần nhiều khu dân cư.

Theo nghiên cứu này, các nhà máy và các cơ sở chứa hóa chất nguy hiểm ở khu vực trên sẽ dễ bị tổn hại trong trường hợp khẩn cấp.

Vụ việc xảy ra ở Liban đã cho thấy sự rủi ro của việc tập trung quá nhiều các loại vật liệu nguy hiểm ở gần khu vực đông dân cư. Do đó, việc đóng cửa các ngành công nghiệp dễ gây cháy, nổ là việc làm cần thiết.

Năm 2016,  thủ lĩnh phong trào Hezbollah của Liban Hassan Nasrallah đã đe dọa tấn công một trong những cơ sở lưu kho amoniac tại Haifa, khiến giới chức Israel phải lập tức ra lệnh di dời 12.000 tấn amoniac ra khỏi khu vực này.

Vụ nổ lớn hôm 4/8 ở Beirut xảy ra trong quá trình hàn tại một nhà kho của cảng Beirut. Các tia lửa đã châm ngòi số pháo cất giữ gần nhà kho, dẫn tới làm nổ 2.750 tấn amoni nitrat.

Được biết, số hóa chất này lưu kho cảng Beirut để chờ được xử lý kể từ năm 2014.

Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục