Giới chức Mỹ hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch chống IS

Chiến dịch không kích các mục tiêu IS ở Iraq và Syria trong 4 tháng qua không đạt hiệu quả cao khi các chiến binh Hồi giáo vẫn kiểm soát một vùng lãnh thổ.
Giới chức Mỹ hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch chống IS ảnh 1Khói bốc lên sau cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu vào các mục tiêu của IS ở Kobane. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức lập pháp Mỹ ngày 10/12 đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Iraq và Syria của chính quyền Tổng thống Barack Obama, cáo buộc Nhà Trắng đã có phản ứng "chậm trễ và không thích hợp" trước mối đe dọa từ IS.

Phát biểu trong phiên điều trần tại Hạ viện của Đặc phái viên về Iraq Brett McGurk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce cho rằng chiến dịch không kích các mục tiêu IS ở Iraq và Syria trong 4 tháng qua không đạt hiệu quả cao khi các chiến binh Hồi giáo thánh chiến vẫn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn. Ông Royce cũng tỏ ý hoài nghi về kế hoạch huấn luyện lực lượng đối lập ở Syria vì lực lượng này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vũ trí và đạn dược.

Nghị sỹ đảng Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen, đại diện cho bang Florida, cho rằng Nhà Trắng vẫn chưa triển khai các "kế hoạch thực tế" để tiêu diệt IS và đánh bại Mặt trận Al-Nursa, một nhánh của al-Qaeda tại Syria.

Trước những chỉ trích trên, Đặc phái viên McGurk cho rằng các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã đạt được một số bước tiến nhất định như đẩy lùi đà tiến của IS và làm suy yếu một phần sức mạnh của lực lượng này. Ước tính mỗi tuần liên quân tiêu diệt được hơn 100 tay súng IS. Theo kế hoạch, liên quân sẽ triển khai chương trình huấn luyện cho 5.000 tay súng đối lập ở Syria từ tháng 3/2015. Ông McGurk nhấn mạnh việc đào tạo và trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria là một phần trong chiến dịch chống IS "kéo dài nhiều năm."

Phiên điều trần diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi giới lập pháp nước này cân nhắc phương án sử dụng lực lượng bộ binh tại Iraq và Syria để chống IS, đồng thời phê chuẩn đạo luật tạo khung pháp lý cho phép chính quyền Tổng thống Obama tiến hành không giới hạn các chiến dịch quân sự ở Trung Đông. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Mỹ đặt mọi trọng trách đối phó với IS lên vai binh sỹ Mỹ, vì quân đội nước này sẽ không đóng vai trò đi đầu trong các chiến dịch trên bộ tại Iraq và Syria.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/12, các quan chức quân đội thông báo Mỹ đã tiến hành 20 đợt không kích nhằm vào các mục tiêu của IS trong những ngày gần đây. Cụ thể, từ ngày 8/12, các lực lượng Mỹ đã phối hợp với các nước đối tác trong liên minh tiến hành 7 cuộc không kích chống IS ở Syria và 13 cuộc ở Iraq.

Cùng ngày, Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada (RCAF) ra thông báo cho biết trong một chiến dịch hỗ trợ quân đội Iraq tại Mosul hôm 5/12, hai chiến đấu cơ CF-18 Hornet của Canada đã đánh trúng tổ hợp hai boongke và hai ụ súng máy của IS. Tính đến ngày 8/12, RCAF tại Iraq đã tiến hành tổng cộng 175 lần xuất kích, trong đó chiến đấu cơ CF-188 Hornet xuất kích 112 lần và máy bay tiếp liệu CC-150T Polaris xuất kích 29 lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục