Giới chuyên gia cảnh báo Australia sắp đạt mức thải khí cao nhất

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học của ANU cho rằng các trang trại gió và năng lượng Mặt Trời là giải pháp hữu hiệu nhất để làm giảm lượng khí thải carbon trong khí quyển.
Giới chuyên gia cảnh báo Australia sắp đạt mức thải khí cao nhất ảnh 1Năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió cung cấp một phương thức giảm thiểu khí thải với mức chi phí thấp nhất. (Nguồn: smh.com.au)

Một nghiên cứu mới của Trường đại học Quốc gia Australia (ANU) cảnh báo nước này có nguy cơ đối mặt với tình trạng khí thải carbon sẽ vượt đỉnh nếu các đề xuất về năng lượng tái tạo tiếp tục bị đình trệ và thiếu hụt đầu tư cho hệ thống truyền tải và lưu trữ năng lượng.

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn báo cáo trên cho biết khí thải carbon của Australia sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2020.

Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học của ANU cho rằng các trang trại gió và năng lượng Mặt trời là giải pháp hữu hiệu nhất để làm giảm lượng khí thải carbon trong khí quyển.

Dòng năng lượng mới này có thể sẽ sớm cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá tại Australia, giúp làm giảm 4% lượng khí thải carbon kể từ năm 2022. 

Bên cạnh đó, việc tiếp tục xây dựng các trang trại năng lượng Mặt Trời và gió cũng giúp Australia có thể thực hiện được các cam kết của mình theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà không cần phải sử dụng các khoản tín dụng Kyoto gây tranh cãi.

[BP phát triển công nghệ khử CO2 trong sản xuất tại Australia]

Đồng tác giả của nghiên cứu trên, giáo sư Andrew Blakers cho biết năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió cung cấp một phương thức giảm thiểu khí thải với mức chi phí thấp nhất.

Tuy nhiên, việc chậm đầu tư vào hệ thống truyền tải và lưu trữ là những khó khăn hiện hữu mà ngành năng lượng tái tạo Australia đang phải đối mặt.

Báo cáo kêu gọi Chính phủ Australia cần hỗ trợ để phát triển các hệ thống đồng bộ, đảm bảo các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn có thể truyền tải và bơm năng lượng mà chúng tạo ra vào lưới điện quốc gia.

Theo Giáo sư Blakers, các đường dây điện hiện có của Australia hầu hết được xây dựng để phục vụ các nhà máy nhiệt điện than. Hiện sự kết nối cho hệ thống năng lượng tái tạo chưa đủ để đưa điện từ các trang trại gió và Mặt trời tới các khu vực có mức độ ánh sáng Mặt Trời và gió thấp.

Trong khi các công ty tư nhân sẵn sàng trả tiền cho các đường truyền mới cần thiết, giáo sư Blakers cho rằng chính phủ cần cải cách các quy tắc và quy trình phê duyệt "lỗi thời" được thiết lập để giám sát một ngành công nghiệp nhiệt điện thống trị.

Đánh giá về báo cáo nói trên, Bộ trưởng Năng lượng và Giảm khí phát thải Angus Taylor thừa nhận Australia cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc lưu trữ và truyền tải.

Ông cho biết chính phủ đã đầu tư 1,42 tỷ AUD (tương đương 96,5 triệu USD) vào việc mở rộng chương trình năng lượng tái tạo Snowy Hydro và hỗ trợ phát triển hệ thống kết nối Eo biển Bass thứ hai để đưa điện sản xuất từ nhà máy thủy điện tại bang ngoài khơi Tasmania vào đất liền.

Tuy nhiên, ông Taylor lo ngại về độ tin cậy của năng lượng tái tạo. Ông nói năng lượng tái tạo thường thiếu sự ổn định khi gió yếu và Mặt Trời không đủ độ sáng.

Việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải và lưu trữ thường có chi phí rất lớn, trong khi hiệu quả không đảm bảo. 

Hiện chính phủ Australia đã cam kết 3,2 triệu AUD để phát triển một khung đánh giá và chiến lược toàn diện nhằm đẩy nhanh việc cung cấp dự án truyền tải quan trọng đúng thời điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục