Giới chuyên gia nghi ngờ về tác dụng của đề xuất hòa đàm với Taliban

Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban, nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài tại quốc gia Tây Nam Á này.
Giới chuyên gia nghi ngờ về tác dụng của đề xuất hòa đàm với Taliban ảnh 1Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (giữa) tại hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo THX, tại hội nghị mang tên "Tiến trình hợp tác hòa bình và an ninh Kabul" khai mạc hôm 28/2 tại thủ đô Kabul của Afghanistan, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban, nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài tại quốc gia Tây Nam Á này.

Gói đề xuất hòa bình do Tổng thống Ghani đưa ra đã nhận được sự hoan nghênh từ các đại biểu tham dự hội nghị Kabul, đến từ hơn 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế bao gồm Pakistan, Trung Quốc, Mỹ, Đức và Ấn Độ.

Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị Afghanistan đã thận trọng xem xét khả năng gói hòa bình này sẽ tác động tích cực tới tiến trình hòa giải dân tộc.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Tân Hoa, nhà phân tích quân sự và chính trị Atequllah Amarkhil cho rằng: "Đề nghị của Tổng thống Ghani, trên thực tế, là một gợi ý đặc biệt và cho thấy sự linh hoạt cao độ của Chính phủ Afghanistan đối với Taliban để khuyến khích lực lượng vũ trang này ngồi vào bàn đàm phán."

Tuy nhiên, khi đánh giá tác dụng của đề xuất hòa bình này trong việc đưa 2 bên xung đột "xích lại gần nhau," ông Amarkhil nhấn mạnh "Taliban sẽ không ngồi vào bàn đàm phán trừ khi và cho đến khi những người ủng hộ nhóm này ở nước ngoài được thuyết phục để hỗ trợ một cách chân thành" những nỗ lực hòa bình đang diễn ra ở Afghanistan.

[Tổng thống Afghanistan đề nghị công nhận Taliban như tổ chức chính trị]

Thực tế cho thấy nhóm vũ trang Taliban, từng nhiều lần bác bỏ đề xuất đàm phán với Chính phủ Afghanistan và trước thềm hội nghị Kabul đã kêu gọi Washington có cuộc đàm phán trực tiếp với nhóm vũ trang này, hiện vẫn chưa phản ứng với đề xuất của Tổng thống Ghani.

Nhà phân tích trên khẳng định: "Các bên liên quan trong vấn đề Afghanistan và các nước xung quanh Afghanistan đang nghi ngờ về sự chân thành của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia này."

Cùng chung quan điểm này, phát biểu trên truyền thông địa phương, một chuyên gia chính trị khác là ông Haroon Mir nêu rõ: "Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan sẽ không kết thúc trong tương lai gần nếu sự hợp tác khu vực không được đảm bảo."

Ông nói rằng Chính phủ Afghanistan đã không giành được sự ủng hộ của khu vực nhằm chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình cho Afghanistan với sự hiện diện của khoảng 150.000 binh lính liên quân do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu cách đây một vài năm.

Hiện tại, dường như khó có thể đạt được mục tiêu tương tự trong thời gian ngắn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục