Giới đầu cơ “thờ ơ” với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới

Một chủ kinh doanh vàng ở Hà Nội cho biết, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây nhà đầu tư hầu như không quan tâm đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Giới đầu cơ “thờ ơ” với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ảnh 1(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Khoảng hai tuần trở lại đây, giá vàng trong nước bất ngờ rút ngắn chênh lệch với giá vàng thế giới về mức kỷ lục. Vậy điều gì đã làm nên bất ngờ này?

Thời điểm 15 giờ ngày 29/2, vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết quanh mức 33,26-33,56 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Mức giá này không biến động nhiều so với tuần trước.

Thời điểm này, giá vàng thế giới cũng được bán ra ở mức 1.233,3 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng trong nước hiện tương đương 33,18 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu chưa tính thuế và phí, giá vàng trong nước hiện đắt hơn giá thế giới tới gần 400.000 đồng/lượng.

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 700.000 đồng/lượng, tương đương hơn 2%. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, từ đầu năm 2016 đến nay, giá kim loại quý đã tăng khoảng 15% trong bối cảnh giới đầu tư tìm đến vàng như là nơi đầu tư an toàn giữa lúc thị trường chứng khoán sụt giảm và những lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu.

Rõ ràng, vàng trong nước đã tăng “ì ạch” so với đà tăng mạnh của giá vàng thế giới đã rút ngắn chênh lệch giữa hai thị trường. Lý giải cho hiện tượng này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu lúc này là giới đầu cơ thờ ơ với vàng. Cùng với đó, vàng không còn sức hấp dẫn đối với nhiều người dân.

Chủ một cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết, việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn không ảnh hưởng gì đến lượng giao dịch. Thị trường vẫn diễn biến bình thường và vẫn diễn ra hai xu hướng, thứ nhất là người dân mua vào để tích trữ và thứ ​hai là giao dịch của giới đầu tư.

Vị này cho biết thêm, trong khoảng 3-4 năm trở lại đây nhà đầu tư hầu như không quan tâm đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, do giá vàng SJC với các thương hiệu vàng khác có độ “vênh” khá cao nên giới đầu tư chuyển sang các loại vàng thương hiệu khác như PNJ, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, vàng AAA… Bên cạnh đó, người dân cũng không còn tích trữ vàng như trước.

Nhìn lại 5 năm trước đây, có thời điểm giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới tới 5 triệu đồng mỗi lượng nhưng người dân vẫn lũ lượt đi xếp hàng mua vàng. Còn nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã ở mức lý tưởng nhưng thị trường vàng trong nước vẫn “đìu hiu,” các tiệm vàng vẫn vắng bóng người mua. Diễn biến này cho thấy, chủ trương “chống vàng hóa” của cơ quan điều hành chính sách đã có được những thành công nhất định.

Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo việc quản lý thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ thị trường vàng theo hướng ngày càng thu hẹp thị trường vàng miếng, tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ một cách lành mạnh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục