Giới đầu tư đặt nhiều hy vọng vào 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc

Phương Tây tăng cường trừng phạt Nga khiến giới đầu tư đặt hy vọng vào Mỹ và Trung Quốc - hai nhân tố mà họ hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giới đầu tư đặt nhiều hy vọng vào 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Trụ sở của Fed tại thủ đô Washington DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vào thời điểm việc các nước phương Tây đang và sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga làm suy giảm lòng tin các nhà đầu tư ở châu Âu, giới đầu tư đang hướng sang Mỹ và Trung Quốc - hai nhân tố mà họ hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nhà kinh tế James Knightley thuộc ING cho hay tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc hiện có nhiều dấu hiệu đáng khích lệ.

Các số liệu về tăng trưởng GDP và việc làm của Mỹ sắp được công bố sẽ giúp các thị trường đưa ra được những nhận định chính xác hơn về đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của Mỹ, cũng như tiến độ của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) trở lại chính sách tiền tệ bình thường.

Cuộc họp về chính sách tiền tệ của Fed sẽ diễn ra trong hai ngày 29-30/7, song giới quan sát cho rằng trước mắt Fed sẽ chưa đưa ra sự thay đổi nào về chính sách tiền tệ.

Cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế do hãng tin Reuters tiến hành cho thấy GDP của Mỹ tăng trưởng 3% trong quý kết thúc tháng Sáu.

Trong khi đó, người ta chờ đợi các số liệu sắp được công bố sẽ khẳng định kinh tế Trung Quốc tiếp đà hồi phục tăng trưởng trong tháng Bảy, trong bối cảnh chính phủ nước này triển khai các biện pháp thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 7,5% trong quý II/2014, mạnh hơn quý trước đó, song vẫn tồn tại một số yếu tố có thể cản trở đà hồi phục tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong đó phải kể tới việc giá bất động sản đi xuống và tỷ lệ nợ của các chính quyền địa phương ở mức cao.

Trong khi đó, tại châu Âu, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dường như đang đánh mất đà phục hồi vốn còn khá mong manh.

Việc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở gần biên giới giữa Nga và Ukraine đang khiến một số nước như Đức không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi lập trường và áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn đối với Nga.

Đầu tuần này, các đại sứ EU dự báo sẽ nhóm họp để thông qua các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trong số đó phải kể tới các biện pháp đóng cửa các thị trường vốn EU đối với các ngân hàng quốc doanh Nga, biện pháp trừng phạt đối với buôn bán vũ khí và hạn chế cung cấp công nghệ năng lượng.

Xét trên toàn cầu, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới châu Âu, khu vực mà Nga thực hiện phần lớn hoạt động thương mại. Điều này sẽ làm nảy sinh những vấn đề về kinh tế không chỉ đối với Nga mà còn đối với toàn khu vực.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tuần trước cảnh báo các biện pháp trừng phạt gần đây nhằm vào Nga có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế Xứ xở Bạch dương, hoạt động đầu tư ở nước này cũng như đối với kinh tế châu Âu.

Nhà kinh tế Michael Heise thuộc Allianz, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trên toàn cầu, nói rằng "tình hình hiện nay rất nguy hiểm"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục