Giới đầu tư Xứ sở Sương mù lo âu trước viễn cảnh "Brexit"

Theo giới chuyên gia phân tích, việc nước Anh rời EU sẽ làm giảm sức hút đầu tư và tốc độ tăng trưởng cũng như làm đồng nội tệ mất giá - đó là điều mà giới đầu tư nước này hết sức lo ngại.
Giới đầu tư Xứ sở Sương mù lo âu trước viễn cảnh "Brexit" ảnh 1Chủ tịch EC Donald Tusk (thứ nhất, trái) trong cuộc họp với Thủ tướng Anh David Cameron (phải) tại Brussels, Bỉ ngày 19/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới đầu tư nước Anh tỏ ra bối rối trước viễn cảnh chưa rõ ràng là nước này sẽ ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – yếu tố chắc chắn tác động rất lớn tới nền kinh tế Xứ sở Sương mù.

Mặc dù còn 4 tháng nữa mới diễn ra (ngày 23/6) nhưng cuộc trưng cầu ý dân về “Brexit” (việc nước Anh rời EU) đã gây quan ngại cho giới đầu tư trong nước, khiến đồng nội tệ rớt xuống mức thấp trong 7 năm.

Trong khi một số doanh nghiệp lớn ủng hộ ra mặt việc nước Anh ở lại EU thì tâm lý chung của thị trường liên tục dao động.

Theo giới chuyên gia phân tích, việc nước Anh rời EU sẽ làm giảm sức hút đầu tư và tốc độ tăng trưởng cũng như làm đồng nội tệ mất giá.

Kể từ khi thời điểm cuộc trưng cầu ý dân được ấn định, đồng bảng Anh đã liên tục giảm giá.

Tính từ đầu tuần này, đồng bảng đã giảm 3,5% so với đồng USD xuống còn 1,3932 USD/bảng. Và theo dự đoán mới nhất của ngân hàng HSBC, nếu viễn cảnh "Brexit" xảy ra, đồng bảng có nguy cơ hạ giá từ 15-20% so với đồng USD, qua đó khiến tỷ lệ lạm phát tăng thêm 5 điểm phần trăm trong bối cảnh chi phí nhập khẩu đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng leo thang.

Nước Anh rời EU còn đồng nghĩa với việc nước này nói lời “chia tay” với các lợi thế thương mại mà chỉ các nước thành viên được hưởng, như việc tiếp cận các thị trường khác một cách dễ dàng hay dựa vào sức mạnh của khối kinh tế lớn nhất thế giới này để thỏa hiệp các hiệp ước kinh tế “hời” với Mỹ và Trung Quốc.

Nước Anh rời EU cũng có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động bởi nhân công từ các nước châu Âu khác sẽ phải hồi hương hoặc bị giới hạn bởi nhiều quy chế nếu muốn vào làm việc tại nước này.

Bên cạnh đó, Brexit còn có thể tước đi “hộ chiếu dịch vụ,” yếu tố giúp bằng cấp của người Anh không thua kém các nước châu Âu, qua đó tạo điều kiện để công dân Xứ sở Sương mù làm việc dễ dàng hơn tại các nước láng giềng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục