Giới doanh nghiệp hối thúc Mỹ không đánh thuế đồng nhập khẩu từ EU

Nhiều công ty hối thúc USTR đưa đồng ra khỏi danh sách đánh thuế nói trên, cho rằng thuế này sẽ làm gia tăng chi phí nguyên liệu sử dụng trong các lĩnh vực ôtô, năng lượng và viễn thông.
Giới doanh nghiệp hối thúc Mỹ không đánh thuế đồng nhập khẩu từ EU ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Nhiều công ty sản xuất kim loại của Mỹ cho rằng các mức thuế đề xuất của Mỹ đối với Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Airbus có thể làm gia tăng khả năng kiểm soát nhiều nguồn cung hợp kim đồng vào tay một công ty của Đức và gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ.

Mỹ đã đề xuất một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ EU có giá trị 25 tỷ USD có khả năng phải chịu mức thuế 100%, khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết về mức thiệt hại mà trợ cấp của EU cho Airbus gây ra cho nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ.

Washington đã tìm cách để WTO cho phép đánh thuế đối với 11,2 tỷ USD hàng nhập khẩu từ EU hàng năm để bù đắp cho thiệt hại, nhưng con số mà WTO đưa ra có thể sẽ thấp hơn mức này.

Tại buổi điều trần ngày 5/8 của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), hơn 12 nhà sản xuất và cung cấp kim loại Mỹ đã chứng minh rằng đề xuất thuế nói trên sẽ ảnh hưởng đến mặt hàng hợp kim đồng, cũng như nhiều mặt hàng khác. Nhiều công ty hối thúc USTR đưa đồng ra khỏi danh sách đánh thuế nói trên, cho rằng thuế này sẽ làm gia tăng chi phí nguyên liệu sử dụng trong các lĩnh vực ôtô, năng lượng và viễn thông, từ đó có thể khiến các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự.

Theo các công ty trên, doanh nghiệp được hưởng lợi chính từ thuế nhập khẩu đồng là Wieland Werke AG, khi công ty của Đức này hồi tháng trước đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Global Brass & Copper Holdings Inc ở bang Illinois vốn là một công ty lớn trên thị trường Mỹ.

Ông Charles Bernard, Chủ tịch công ty Eagle Metals Inc, cho biết thuế như đề xuất, nếu có hiệu lực, sẽ tạo thế độc quyền cho công ty của Đức và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và cung cấp kim loại đồng còn lại của Mỹ.

Olin Brass, một đơn vị của Global Brass & Copper và nay thuộc Wieland, hồi tháng Năm đã hối thúc USTR đưa các sản phẩm đồng vào danh sách đánh thuế nói trên, với lý do thị trường Mỹ đang dư thừa công suất và việc tăng thuế nhập khẩu có thể giúp vực dậy hoạt động sản xuất trong nước.

Nhưng bà Nancy Rosenthal, chủ tịch một công ty nhỏ ở Brooklyn, cho rằng sẽ phải mất rất lâu để phục hồi hoạt động sản xuất, trong khi chi phí sẽ tăng vọt nếu thuế trên có hiệu lực.

Phát biểu với hãng tin Reuters sau buổi điều trần, bà cho biết thuế đối với các sản phẩm đồng nhập khẩu từ EU sẽ gia tăng áp lực tại thời điểm mà chi phí của công ty bà đã tăng lên do mức thuế 25% đối với một số nguồn cung nhất định từ Trung Quốc và bà chỉ có thể chuyển giao 10% trong số này sang khách hàng của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục