Doanh nghiệp Hy Lạp tuyệt vọng trong "cơn lốc" khủng hoảng nợ

Giới doanh nghiệp Hy Lạp tuyệt vọng trong "cơn lốc" khủng hoảng nợ

Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp buộc các doanh nghiệp nước này, vốn đang vật lộn với khó khăn, phải sử dụng các biện pháp bất thường để tồn tại như tích trữ đồng euro.
Giới doanh nghiệp Hy Lạp tuyệt vọng trong "cơn lốc" khủng hoảng nợ ảnh 1Người dân Hy Lạp xếp hàng để rút các khoản tiền ít ỏi từ ATM. (Ảnh: AP)

Việc Hy Lạp chìm trong những bất ổn về kinh tế, tài chính, đang buộc các doanh nghiệp nước này, vốn đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn, phải sử dụng những biện pháp bất thường để tồn tại, trong đó có cả việc tích trữ tiền mặt bằng đồng euro.

Thông báo đóng cửa các ngân hàng trong tuần này của Chính phủ Hy Lạp nhằm ngăn chặn việc người dân đổ xô đến các ngân hàng rút tiền cũng đã khiến nhiều người dân bị "mắc cạn."

Năm tháng đàm phán "xôi hỏng bỏng không" giữa Hy Lạp với các chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Q​ũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kết thúc bằng việc Athens buộc phải kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng để ngăn hệ thống ngân hàng vốn đã ốm yếu của nước này khỏi bị sụp đổ.

Theo ông Vassilis Korkidis, Chủ tịch Liên đoàn thương mại quốc gia Hy Lạp (ESEE), do việc kiểm soát vốn không cho phép chuyển tiền ra nước ngoài, trừ trường hợp được Bộ Tài chính cho phép, nên các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nguyên liệu thô gặp rất nhiều khó khăn.

Constantin Baxevanakis, chủ công ty đá cẩm thạch nổi tiếng Moschous với mạng lưới khách hàng trên toàn thế giới, cho biết ông rất lo lắng về tương lai, song tin tưởng rằng các biện pháp kiểm soát vốn này sẽ sớm chấm dứt.

Stathis Potamitis, lãnh đạo một công ty luật có khoảng 100 nhân sự cũng tỏ ra hết sức lo lắng: "Đóng cửa các ngân hàng thì dễ nhưng mở cửa lại chúng thì khó hơn nhiều... Một khách hàng lớn vừa gọi điện cho tôi nói rằng ông ta cần được thanh toán trong vòng 120 ngày."

Nhiều doanh nghiệp hiện đã yêu cầu khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, thay vì trả bằng thẻ.

Và điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp tục? Sotiris Papantonopoulos, chủ một doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trên mạng với 70 nhân sự, đặt câu hỏi.

Thành lập năm 2011 vào lúc cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra, doanh nghiệp này vẫn phát triển và đang có kế hoạch tuyển thêm 60 nhân sự trong vòng vài tháng tới. Tuy nhiên, ông Papantonopoulos cho biết "mọi việc bây giờ đành phải đình lại" và lộ rõ vẻ buồn rầu khi trong tuần này ông đã buộc phải để một số nhân viên tạm nghỉ việc.

Papantonopoulos nói thêm: "Nếu các biện pháp kiểm soát vốn vẫn duy trì trong hai tháng tới thì chúng tôi sẽ buộc phải đóng cửa và mọi chuyện chấm hết."

Việc rút tiền từ các cây ATM hiện được giới hạn ở mức 60 euro/ngày, gây khó khăn rất nhiều cho các hoạt động kinh tế tại một đất nước mà hoạt động kinh doanh, buôn bán vẫn chủ yếu là thông qua tiền mặt.

Về lý thuyết, việc kiểm soát này sẽ được bãi bỏ sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày Chủ nhật (5/7) về việc Hy Lạp có chấp nhận hay không những điều kiện của các chủ nợ trong những đàm phán mới nhất về gói cứu trợ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chưa ai biết chuyện gì sẽ xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục